Lâm Đồng: Tăng cường công tác phòng, chống các bệnh truyền nhiễm có vắc xin dự phòng

Ngày 25/3, Sở Y tế Lâm Đồng ban hành văn bản số 779/SYT-NVY, nhằm đảm bảo hoạt động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm có vắc xin dự phòng trên địa bàn tỉnh, hạn chế nguy cơ dịch chồng dịch.
17:00 | 26/03/2024

Theo đó, văn bản đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh chẩn đoán phát hiện sớm ca bệnh, điều trị có hiệu quả, thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, chuẩn bị sẵn sàng thuốc điều trị, phương tiện hồi sức cấp cứu khi cần, phối hợp với các đơn vị dự phòng điều tra, lấy mẫu các bệnh truyền nhiễm và thực hiện nghiêm việc báo cáo các bệnh truyền nhiễm theo quy định; Vận động nhân viên y tế tại các khoa nhiễm, nhi, cấp cứu... chủ động tiêm vắc xin phòng sởi.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh dại trên địa bàn; tăng cường điều tra, giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện trường hợp mắc bệnh. Triển khai các hoạt động đảm bảo công tác tiêm chủng thường xuyên hàng tháng cho các đối tượng thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn. Hướng dẫn các đơn vị rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng chưa được tiêm đủ các mũi vắc xin theo quy định, đặc biệt là các vắc xin phòng bệnh sởi, ho gà. Tăng cường các hoạt động truyền thông về nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn, các biện pháp phòng chống, vận động người dân đưa con đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch, chủ động tiêm vắc xin phòng sởi cho nhóm nguy cơ cao như: Trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ trước mang thai. Đảm bảo thuốc, vật tư, hóa chất… phục vụ công tác phòng chống dịch trên địa bàn; hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị lấy và vận chuyển mẫu bệnh phẩm các bệnh truyền nhiễm theo quy định.

 Triển khai các hoạt động đảm bảo công tác tiêm chủng

Triển khai các hoạt động đảm bảo công tác tiêm chủng

Trung tâm y tế các huyện, thành phố tăng cường điều tra, giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện trường hợp mắc bệnh; đảm bảo công tác tiêm chủng thường xuyên hàng tháng cho các đối tượng thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng.

Rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng chưa được tiêm đủ các mũi vắc xin theo quy định, đặc biệt là các vắc xin phòng bệnh sởi, ho gà; tăng cường các hoạt động truyền thông về nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn, các biện pháp phòng chống, vận động người dân đưa con đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch, chủ động tiêm vắc xin phòng sởi cho nhóm nguy cơ cao như: trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ trước mang thai; phối hợp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường truyền thông đến người chăm sóc trẻ về các dấu hiệu mắc bệnh, cách dự phòng về các bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ như tay chân miệng, sởi, ho gà…; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh cần cho nghỉ học và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời; tránh trường hợp dịch lây lan tại các cơ sở giáo dục; đảm bảo thuốc, vật tư, hóa chất,… phục vụ công tác phòng chống dịch trên địa bàn; điều tra, lấy mẫu các bệnh truyền nhiễm và thực hiện nghiêm việc báo cáo các bệnh truyền nhiễm quy định của Bộ Y tế; Tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh.

Nguyễn Thơm

comment Bình luận