Cứu sống bệnh nhi sốt xuất huyết kèm thủng tá tràng

Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP. Hồ Chí Minh vừa tiếp nhận điều trị trường hợp bệnh nhi 12 tuổi, tại Long An bị sốt xuất huyết kèm thủng tá tràng.
9:58 | 04/01/2025

Khai thác bệnh sử ghi nhận bệnh nhi bệnh 4 ngày, ngày 1 có triệu chứng sốt cao, ho khan, đau nhức người; ngày 2 – 3 còn sốt cao, ói 2 lần, điều trị tư, uống thuốc không rõ loại. Đến ngày 4 bệnh nhi vẫn còn sốt, khám bệnh viện tư, xét nghiệm máu Hct 39%, bạch cầu 3700/microL, tiểu cầu 108000/microL, kháng nguyên NS1 sốt xuất huyết dương tính.

Sau đó, bệnh nhi bắt đầu đau bụng dưới rốn, có chảy máu cam ít tự cầm, ói 1 lần, không tiêu chảy, siêu âm bụng: theo dõi viêm ruột thừa, chuyển bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố.

Tại bệnh viện, ghi nhận bệnh nhi lừ đừ, môi hồng, SpO2 98%, nhịp thở 20 lần/phút, mạch 100 lần/phút, huyết áp 120/80 mmHg, tim đều, phổi thô. Bụng mềm, chướng hơi, gan lách không to, ấn đau hố chậu (P), đề kháng (+). CT Scan bụng ghi nhận: hơi tự do ổ bụng, theo dõi thủng hang môn vị/viêm hang môn vị dạ dày. Hình ảnh phù nề thành túi mật/bệnh sốt xuất huyết dengue.

Bệnh nhi được chẩn đoán thủng tạng rỗng, sốt xuất huyết dengue ngày 4, được hội chẩn bệnh viện các chuyên khoa tiêu hóa, ngoại tổng hợp, gây mê hồi sức, hồi sức ngoại chuẩn bị máu, huyết tương tươi đông lạnh, tiểu cấu đậm đặc, tiến hành phẫu thuật nội soi ổ bụng: bệnh nhi nằm ngửa, mê nội khí quản, vào bụng qua 3 trocar: 10mm ở rốn, 5mm ở hố chậu 2 bên, ghi nhận ổ bụng dơ có giả mạc vùng trên dưới gan và bụng phải, có dịch vàng đục khắp bụng, hút dịch ổ bụng gửi cấy+ kháng sinh đồ. Mặt trước hành tá tràng có 1 lỗ thủng 3x3mm, mô xung quanh viêm bở, có dịch mật trào ra, túi mật căng, ruột thừa bình thường.

Bệnh nhi được chẩn đoán thủng tá tràng ở trẻ sốt xuất huyết, được phẫu thuật khâu lỗ thủng và điều trị tiếp tục tại khoa hồi sức ngoại

Bệnh nhi được chẩn đoán thủng tá tràng ở trẻ sốt xuất huyết, được phẫu thuật khâu lỗ thủng và điều trị tiếp tục tại khoa hồi sức ngoại

Tiến hành khâu lỗ thủng bằng vicryl 2.0, mũi rời, kiểm tra diện khâu kín. Rửa bụng từng vùng đến nước trong, đặt dẫn lưu cạnh miệng nối bằng sonde rectal 18Fr. Đóng bụng bằng vicryl 2.0, khâu da bằng monosyn 4.0.

Sau mổ bệnh nhi được chuyển khoa hồi sức ngoại điều trị tiếp với kháng sinh, giảm tiết, dịch truyền điều chỉnh điện giải, kiềm toan, rối loạn đông máu và theo dõi tình trạng diễn tiến biến chứng của sốt xuất huyết như sốc, xuất huyết tiêu hóa, rối loạn đông máu truyền huyết tương tươi đông lạnh, tiểu cầu đậm đặc.

Chẩn đoán sau phẫu thuật: Thủng tá tràng ở trẻ sốt xuất huyết. Đây là trường hợp hiếm gặp y văn sốt xuất huyết kèm thủng tá tràng, trước đây có ghi nhận một vài trường hợp nhưng ở người lớn, không thấy ghi nhận ở trẻ em.

Ngọc Nguyễn

comment Bình luận