Chủ động phòng chống bệnh Marburg
Bệnh Marburg có khả năng lây truyền và tỷ lệ tử vong cao
Theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ cuối tháng 9/2024 Rwanda đã lần đầu tiên ghi nhận trường hợp bệnh Marburg tại nước này. Đến 10/10/2024, đã ghi nhận tổng số 58 trường hợp mắc, trong đó có 13 trường hợp tử vong tại 7 trong số 30 quận của nước này, khoảng 70% trường hợp bệnh là nhân viên y tế.
Bệnh Marburg là bệnh đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền và tỷ lệ tử vong cao tới 50% và có thể lên tới 88%. Đến nay, bệnh chưa có vắc xin, thuốc điều trị đặc hiệu, hiện bệnh được phân loại thuộc nhóm A trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm của Việt Nam. Một số quốc gia như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc đã tăng cường các biện pháp y tế tại cửa khẩu nhằm kiểm soát dịch bệnh Marburg xâm nhập.
Để chủ động giám sát, phát hiện, kiểm soát dịch bệnh Marburg xâm nhập vào nước ta, Cục Y tế dự phòng đã có văn bản gửi các Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế.
Theo đó, các đơn vị này cần:
Cập nhật thông tin về các quốc gia/vùng lãnh thổ đang ghi nhận trường hợp bệnh Marburg để tăng cường, chủ động giám sát chặt chẽ các đối tượng phải kiểm dịch y tế từ các khu vực này nhập cảnh, quá cảnh, nhập khẩu qua các cửa khẩu tại nước ta.
Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân đối với cán bộ, nhân viên và người tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ/mắc bệnh, không để lây nhiễm cho nhân viên y tế, lây lan ra cộng đồng.
Chuẩn bị sẵn sàng phòng, khu vực cách ly tạm thời sử dụng cho các trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh ở cửa khẩu (nếu cần); các trang thiết bị, hóa chất, thuốc đảm bảo có thể sử dụng ngay khi có dịch; tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác kiểm dịch y tế về giám sát, kiểm soát bệnh Marburg. Đặc biệt lưu ý về công tác phòng, chống nhiễm khuẩn.
Tiếp tục tổ chức truyền thông tại cửa khẩu cho hành khách, người dân về các biện pháp phòng, chống, đặc biệt cần thông báo ngay cho cơ sở y tế khi họ phát hiện các triệu chứng và yếu tố dịch tễ liên quan đến bệnh Marburg trong vòng 21 ngày kể từ ngày họ nhập cảnh Việt Nam; rà soát, cập nhật kế hoạch dự phòng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh Marburg tại từng cửa khẩu với sự tham gia, phối hợp của các cơ quan chức năng tại cửa khẩu, cơ quan y tế tại địa phương, trong đó lưu ý về nhân viên y tế đi cùng, phương tiện vận chuyển người nghi ngờ, mắc bệnh và cơ sở y tế có thể tiếp nhận chăm sóc, điều trị.
Các triệu chứng của bệnh Marburg
Bệnh có thể lây truyền từ động vật sang người, ổ chứa tự nhiên của vi rút Marburg là loài dơi ăn quả (Rousettus aegyptiacus). Sau khi xâm nhập vào cơ thể người, vi rút Marburg có thể lây lan từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp (qua da bị trầy xước hoặc niêm mạc) với máu, dịch tiết cơ thể (nước tiểu, mồ hôi, nước bọt, chất nôn, sữa mẹ, tinh dịch…) hoặc với môi trường/vật dụng (ví dụ như khăn trải giường, quần áo) bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người mắc/chết do vi rút Marburg.
Thời gian ủ bệnh của bệnh Marburg (khoảng thời gian từ khi nhiễm vi rút đến khi xuất hiện triệu chứng) thay đổi từ 2 đến 21 ngày.
Bệnh khởi phát với các triệu chứng sốt cao, đau đầu dữ dội, khó chịu nghiêm trọng, sau đó có thể xuất hiện tiêu chảy nặng, đau bụng, chuột rút, buồn nôn, nôn vào ngày thứ ba. Phát ban không ngứa có thể xuất hiện trong khoảng từ 2 đến 7 ngày sau khi khởi phát triệu chứng. Từ ngày thứ 5 của bệnh, bệnh nhân có thể xuất hiện các biểu hiện xuất huyết, bao gồm máu tươi trong chất nôn và phân, chảy máu từ mũi, nướu răng và âm đạo, có thể chảy máu ở cả các vị trí chọc tĩnh mạch (nơi tiếp cận tĩnh mạch để truyền dịch hoặc lấy mẫu máu). Bệnh có thể dẫn tới tử vong do mất máu nghiêm trọng và sốc trong khoảng 8 đến 9 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng.
Các biện pháp phòng bệnh Marburg
Đến nay, bệnh Marburg vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh, việc thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ mà cá nhân có thể thực hiện là một cách hiệu quả để giảm sự lây truyền giữa động vật sang người và giữa người với người. Cụ thể:
Để giảm nguy cơ lây truyền từ dơi sang người phát sinh do tiếp xúc lâu dài với các mỏ hoặc hang động có đàn dơi ăn quả sinh sống, những người đến thăm hoặc làm việc trong các mỏ hoặc hang động có đàn dơi ăn quả sinh sống nên đeo găng tay và các loại quần áo bảo hộ thích hợp khác (bao gồm cả khẩu trang). Trong thời gian bùng phát dịch bệnh, tất cả các sản phẩm từ động vật (máu và thịt) phải được nấu chín kỹ trước khi tiêu thụ.
Để giảm nguy cơ lây truyền từ người sang người thì người dân nên tránh tiếp xúc gần với người bệnh Marburg. Hạn chế đến những khu vực có nguy cơ nhiễm bệnh hoặc đang có dịch. Thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân như mặc áo bảo hộ, đeo găng tay, khẩu trang, mắt kính, rửa tay thường xuyên,… nếu tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Đình Tiến
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
An Giang: Giám sát hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá trên địa bàn tỉnh năm 2024
Vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật An Giang phối hợp với Sở Giao thông vận tải và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang tổ chức giám sát hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá tại các bến xe, một số nhà hàng, khách sạn và một số cơ sở y tế trong toàn tỉnh.October 28 at 12:05 pm -
Đắk Lắk: Tập huấn phòng chống tác hại thuốc lá cho giáo viên để giảng dạy tại các trường phổ thông năm 2024
Ngày 25/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức lớp tập huấn phòng chống tác hại của thuốc lá cho 40 học viên là cán bộ, giáo viên đang giảng dạy trong các trường THCS và THPT trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Dự và chỉ đạo tại lớp tập huấn có ThS.BS.CKII Lê Phúc - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk.October 28 at 12:05 pm -
Bình Thuận: Tập huấn xây dựng môi trường không khói thuốc lá trong nhà hàng, khách sạn, địa điểm du lịch
Vừa qua, Sở Y tế tỉnh Bình Thuận tổ chức 9 lớp tập huấn hướng dẫn xây dựng môi trường không khói thuốc lá theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trong nhà hàng, khách sạn, địa điểm du lịch, quán ăn, quán cà phê tại các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Bình Thuận năm 2024.October 27 at 8:14 pm -
Bình Phước: Tập huấn chuyên sâu về phòng chống tác hại thuốc lá ở thanh thiếu niên
Nhằm trang bị cho đội ngũ giám sát, điều tra viên những kiến thức và kỹ năng cần thiết điều tra toàn diện về tình hình sử dụng thuốc lá tại địa phương, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước phối hợp cùng Trường Đại học Y tế Công cộng tổ chức lớp tập huấn về "Điều tra thực trạng sử dụng thuốc lá ở người từ 15 tuổi trở lên và công tác phòng, chống tác hại thuốc lá tỉnh năm 2024".October 26 at 1:34 pm