Chủ động công tác phòng, chống bệnh do virút Nipah trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Theo thông tin từ WHO và Bộ Y tế, trong tháng 8 - 9/2023 tại bang Kerala, Ấn Độ đã ghi nhận 6 trường hợp mắc bệnh do vi rút Nipah, trong đó có 2 trường hợp tử vong (tỷ lệ chết/mắc là 33,3%). Hiện nay, chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh do vi rút Nipah ở các nước trong khu vực Đông Nam Á.
14:12 | 11/10/2023

Không loại trừ khả năng trong thời gian tới, có thể ghi nhận trường hợp mắc bệnh do vi rút Nipah mới tại Ấn Độ cũng như một số nước khác trong khu vực do sẵn có ổ chứa vi rút từ dơi ăn quả (dơi Pteropus hay còn gọi cáo bay), từ đó có thể xâm nhập vào Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng.

Virus Nipah liên kết với các thụ thể trên tế bào người trong giai đoạn đầu nhiễm bệnh (nguồn ảnh: Dr_microbe/Getty)

Virus Nipah liên kết với các thụ thể trên tế bào người trong giai đoạn đầu nhiễm bệnh (nguồn ảnh: Dr_microbe/Getty)

Để chủ động các biện pháp phòng, chống nhằm ngăn chặn bệnh do vi rút Nipah xâm nhập vào tỉnh Đắk Lắk, Sở Y tế vừa có công văn số 3218/SYT-NVYD ngày 9/10/2023 đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện, thị xã, thành phố và yêu cầu các đơn vị trực thuộc Sở Y tế thực hiện các nội dung:

Đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp chỉ đạo các cơ quan báo chí truyền thông, hệ thống thông tin cơ sở đăng tải các tin, bài tuyên truyền về bệnh do vi rút Nipah theo thông tin khoa học trên các cổng thông tin ngôn luận chính thống của Bộ Y tế để người dân hiểu được triệu chứng, đường lây, các biện pháp phòng bệnh và không hoang mang, lo lắng.

Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chỉ đạo các phòng, ban, UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện công tác truyền thông phòng, chống bệnh do vi rút Nipah theo thông tin khoa học trên các cổng thông tin ngôn luận chính thống của Bộ Y tế tại địa bàn quản lý tránh gây hoang mang, lo lắng trong cộng đồng. Chỉ đạo trung tâm y tế tăng cường triển khai các hoạt động giám sát tại cơ sở y tế, tại cộng đồng và tại cửa khẩu nhằm kịp thời phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh. 

Trung tâm kiểm soát bệnh tật chủ động, thường xuyên cập nhật các thông tin về tình hình mắc bệnh do vi rút Nipah trên thế giới, khu vực, tại Việt Nam và các hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống của WHO, Bộ Y tế. Chủ động, thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình bệnh do vi rút Nipah, trong trường hợp cần thiết, khẩn trương tham mưu Sở Y tế triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng, chống hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các lực lượng tăng cường giám sát tại các cửa khẩu nhằm kịp thời phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh truyền nhiễm để quản lý, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện trường hợp bệnh.

Trung tâm y tế các huyện, thành phố tăng cường giám sát các trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh tại cơ sở y tế, tại cộng đồng, cửa khẩu thông qua hệ thống giám sát dựa vào sự kiện (EBS) và hệ thống quản lý khám, chữa bệnh. Thực hiện chế độ báo cáo bệnh truyền nhiễm mới nổi trong vòng 24 giờ kể từ khi ghi nhận ca bệnh nghi ngờ hoặc ca bệnh xác định đảm bảo thông tin chia sẻ chính xác và kịp thời các thông tin theo điểm mục a, mục 1, điều 6 của thông tư 17/2019/TT-BYT về hướng dẫn giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.

Các bệnh viện trên địa bàn tỉnh chủ động cập nhật các phác đồ điều trị bệnh do vi rút Nipah theo hướng dẫn của WHO và Bộ Y tế. Thực hiện chế độ báo cáo bệnh truyền nhiễm mới nổi trong vòng 24 giờ kể từ khi ghi nhận ca bệnh nghi ngờ hoặc ca bệnh xác định đảm bảo thông tin chia sẻ chính xác và kịp thời các thông tin theo hướng dẫn của Bộ Y tế về giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.

Minh Thu

 
comment Bình luận