Cánh tay biến dạng cong queo sau mổ, Bệnh viện 115 Nghệ An nói lỗi của bệnh nhân

Tai nạn gãy tay tường chừng đơn giản nhưng một học sinh đã có cánh tay biến dạng sau gần 2 tháng phấu thuật ở Bệnh viện Đa khoa 115 Nghệ An.
18:48 | 29/06/2020
Anh Nguyễn Văn Lâm (ở Tân Kỳ, Nghệ An) phản ánh với Sức khỏe Cộng đồng về việc em trai của anh - Nguyễn Văn Đức Anh (học sinh lớp 7) đang đối mặt với cánh tay mang dị tật sau cuộc phẫu thuật tại Bệnh viện 115 Nghệ An.
 
Anh Lâm cho biết, cách đây hơn 2 tháng, Đức Anh bị ngã gãy tay. Được một số người giới thiệu, gia đình anh Lâm đưa em xuống Bệnh viện Đa khoa 115 Nghệ An khám và điều trị.

Ngày 18/4, Bệnh viện này chẩn đoán Đức Anh bị gãy xương cẳng tay và chỉ định mổ để chỉnh lại phần xương gãy lệch. Bác sỹ Hoàng Công Anh trực tiếp phẫu thuật.
 
Khoảng 10 ngày sau, bệnh nhân được ra viện và bác sỹ dặn 2 ngày thay băng 1 lần, đủ 14 ngày cắt chỉ, 1 tháng tái khám. Về nhà, gia đình và Đức Anh vẫn thực hiện theo chỉ dẫn của bác sỹ, lên trạm y tế ở địa phương thay băng.
 
Cánh tay biến dạng cong queo và cổ tay không cử động được
 
Tuy nhiên sau cuộc phẫu thuật khoảng 1 tháng, bệnh nhân quay lại bệnh viện với cánh tay không mang dáng thẳng như ban đầu mà biến dạng cong queo. Cổ tay cũng không cử động được. Đến khi tái khám tại bệnh viện 115, bác sỹ kết luận xương tay bị lệch.
 
Gia đình anh Lâm hốt hoảng và thắc mắc. Bệnh viện cho rằng mình không có lỗi. Bố của anh Lâm đã liên hệ trực tiếp với bác sỹ Công Anh (người phẫu thuật). Bác sỹ này cho rằng việc để xương bị lệch và cong là do bệnh nhân. Trả lời tin nhắn qua lại, bác sỹ này cũng nói là do bệnh nhân không làm đúng hướng dẫn của bác sỹ và để tay hoạt động quá sớm.
 
Anh Lâm và em trai mình cho rằng, điều bác sỹ nói là rất vô lý và mâu thuẫn. Theo anh, từ lúc mới mổ xong, gia đình anh đã thấy tay Đức Anh bị cong nhưng nghĩ là đầu đinh thừa chọc lên nên cố gắng yên tâm hy vọng. Nào ngờ tay bệnh nhân bị lệch xương.
 
"Việc phẫu thuật và biện pháp nẹp cố định xương tay là trách nhiệm của bác sỹ. Bác sỹ phẫu thuật chuẩn và nẹp cố định chứ bệnh nhân làm sao tự ý cử động được." - Một người thân của Đức Anh nói.
 
Người nhà cho biết, cánh tay được phẫu thuật và nẹp bằng đinh nội tủy. Không hiểu sao cổ tay bị chèn và không cử động được.
 
Không những vậy, hồ sơ bệnh án và kết quả thực tế cho thấy, ngoài việc cánh tay bị cong biến dạng, cổ tay bệnh nhân cũng không còn cử động được. Cánh tay của nam sinh lớp 7 gần như không còn làm được việc gì.
 
Anh Lâm cho biết, tại cuộc tái khám mới nhất, bệnh viện 115 Nghệ An kết luận bệnh nhân bị can lệch xương quay và đề nghị người nhà cho Đức Anh phẫu thuật lại. Nhưng gia đình quá sợ hãi và đã tức tốc đưa con mình ra Hà Nội nhập viện Đại học Y điều trị.
 
Cũng theo gia đình anh Lâm, Đại học Y đã tiếp nhận và sẽ phải thực hiện 2 cuộc phẫu thuật để khắc phục cánh tay. Lần 1: chỉnh lại phần lệch. Lần 1: chỉnh lại khớp quay.
 
Khi chúng tôi hỏi, bệnh nhân Đức Anh cho biết hiện này không còn đau nữa nhưng cổ tay không cử động được. Cánh tay gần như không hoạt động được gì nên rất khó chịu.
 
Nói với PV, gia đình anh Lâm cho biết họ rất đau khổ khi cháu còn trẻ, tai nạn gãy tay tường chừng đơn giản nhưng nay lại thành phức tạp. Dù việc điều trị sắp tới có thể rất tốn kém nhưng gia đình vẫn phải cố để vớt vát lại cánh tay có nguy cơ dị tật.
 
Gia đình anh Lâm cho rằng đây là lỗi của bệnh viện 115 nhưng bệnh viện không thừa nhận mà còn đổ lỗi cho bệnh nhân.
 
Gia đình anh Lâm cũng cho rằng Bệnh viện 115 phải có trách nhiệm về sức khỏe của cháu Nguyễn Văn Đức Anh và những di chứng về sau. Họ yêu cầu Bệnh viện 115 phải bồi thường toàn bộ chi phí điều trị tại BV Hà Nội. Ngoài ra, Bệnh viện phải bồi thường khoản phí hỗ trợ những tổn hại sức khỏe mà Đức Anh đang phải đối mặt.
 
Tuy nhiên rả lời PV, ông Nguyễn Danh Linh (Giám đốc Bệnh viện Đa khoa 115 Nghệ An) lại cho rằng, gia đình đòi hỏi không thỏa đáng. Ông Linh quả quyết rằng bệnh nhân đã làm không đúng chỉ dẫn của bác sỹ. Theo quy định, phải hơn 1 tháng sau phẫu thuật thì bệnh nhân mới được tháo băng. Nhưng bác sỹ Linh cho rằng, gia đình Đức Anh đã tháo nẹp cho cháu khi mới được 12 ngày. Đây là nguyên nhân khiến xương không được cố định và đã lệch khỏi đường vị trí đóng đinh.
 
GĐ Bệnh viện 115 cho hay, bệnh viện sẵn sàng phẫu thuật lại cho bệnh nhân Đức Anh hoàn toàn miễn phí. Nhưng gia đình bệnh nhân yêu cầu phải bồi thường chi phí ra Hà Nội điều trị. Bệnh viện không đồng ý.
 
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Ba (bố của Đức Anh) khẳng định không bao giờ có chuyện bệnh nhân tự ý mở nẹp tay. Bởi vì đây là nẹp nửa tay nên việc thay băng vết thương ở nửa phía trên hoàn toàn thực hiện bình thường. Gia đình cũng tuân thủ rất chuẩn chỉ hướng dẫn của bác sỹ. Sau 3 ngày phẫu thuật, gia đình cũng đã nhận thấy cánh tay gồ lên nhưng không ngờ đó là xương bị lệch.
 
Sức khỏe Cộng đồng sẽ tiếp tục thông tin...
 
Theo Kảnh Kiên - Tuấn Tú/Sức khỏe Cộng đồng
comment Bình luận