Cảnh báo về sự lây lan nhanh chóng của bệnh sởi trên toàn cầu

Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo về sự lây lan nhanh chóng của bệnh sởi, với hơn 306.000 ca mắc được ghi nhận trên toàn thế giới trong năm 2023, tăng 79% so với năm 2022.
16:39 | 29/02/2024

Theo WHO, tình hình bệnh sởi “vô cùng đáng lo ngại”, các ca mắc bệnh sởi thường không được báo cáo đầy đủ và con số thực tế cao hơn nhiều so với công bố. Hơn một nửa số quốc gia trên toàn cầu hiện được cho là có nguy cơ cao bùng phát dịch sởi vào cuối năm nay. Và ước tính khoảng 142 triệu trẻ em có nguy cơ mắc bệnh. Năm 2024 cũng là năm đầy thách thức về bệnh sởi.

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi (polynosa morbillorum) gây ra, chủ yếu tấn công trẻ em và là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Các biến chứng nghiêm trọng nhất là mù lòa, sưng não, tiêu chảy và nhiễm trùng đường hô hấp nặng. Tiêm vắc xin sởi là một biện pháp phòng bệnh sởi hiệu quả. Chính vì vậy, theo các chuyên gia y tế, để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, phải đảm bảo ít nhất 95% trẻ em được tiêm chủng đầy đủ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Các chuyên gia khuyến cáo, trẻ nhỏ và người lớn tuổi, người có bệnh lý nền nếu mắc sởi dễ trở nặng hơn. Hiện nay, các bệnh về đường hô hấp cũng đang tăng cao, khiến nhiều người dễ nhầm lẫn về bệnh. Khi có các triệu chứng sốt, phát ban, nhiều người chỉ nghĩ đến nguyên nhân nóng sốt thông thường và uống thuốc hạ sốt tại nhà khiến tình trạng trở nặng mới đến bệnh viện.

Sởi có thể gây tử vong hoặc để lại các biến chứng thần kinh nguy hiểm như viêm não – màng não – tủy cấp; biến chứng trên tai – mũi – họng như viêm mũi họng bội nhiễm, viêm tai, viêm tai xương chũm; biến chứng do suy giảm miễn dịch như trẻ dễ mắc thêm các bệnh khác là lao, ho gà, bạch hầu; các biến chứng khác như viêm cơ tim, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, đặc biệt là suy dinh dưỡng còi cọc ở trẻ em. Phụ nữ mang thai có thể bị sẩy thai và dị tật thai nhi nếu mắc sởi.

Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị bệnh sởi. Để chủ động phòng bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:

Chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường, thị trấn để tiêm vắc xin phòng sởi.

Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi.

Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

Sởi là một căn bệnh nguy hiểm, có tốc độ lây lan và khả năng tiến triển nhanh chóng, nhất là ở trẻ em. Nhận biết sớm các dấu hiệu trẻ bị sởi sẽ giúp bố mẹ phát hiện sớm tình trạng bệnh của trẻ, từ đó, có biện pháp chăm sóc và điều trị đúng cách, kịp thời, bảo vệ an toàn cho trẻ.

Thái Tuyền

comment Bình luận