Cảnh báo nguy cơ ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng

Thông tin từ Bộ Y tế, trong tháng 3/2024, cả nước xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 368 người bị ngộ độc. Tính chung quý I/2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm (giảm 1 vụ so với cùng kỳ năm 2023) làm 659 người bị ngộ độc (tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 3 người tử vong.
14:58 | 14/04/2024

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), nguyên nhân chính khiến các vụ việc ngộ độc thực phẩm tăng cao trong thời gian qua là do thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, động thực vật chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy - hải sản…); ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ. Thêm vào đó, quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm chưa đúng cách, cùng với ý thức chấp hành quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất, chế biến còn chưa nghiêm…

Để bảo đảm an toàn thực phẩm và sức khỏe, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, người tiêu dùng cần chọn mua những thực phẩm tươi, có nhãn mác, thời hạn sử dụng lâu dài và chỉ nên mua, sử dụng các thực phẩm trong ngày. Không nên dự trữ quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh. Không để lẫn, chế biến lẫn các thực phẩm sống với thực phẩm chín. Ăn chín uống sôi, hạn chế tối đa việc sử dụng thực phẩm sống, tái. Không sử dụng các thực phẩm đã hết hạn sử dụng, ôi thiu hay có mùi vị, màu sắc lạ. Nên sử dụng thực phẩm ngay sau khi chế biến nhất là trong mùa nắng nóng. Bảo quản kỹ thực phẩm bằng cách che, đậy trong hộp đựng, lồng bàn, tủ lạnh, tránh ruồi, muỗi, nhặng...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cần hâm nóng thực phẩm sau khi lấy ra khỏi tủ lạnh, rã đông thực phẩm hoàn toàn trước khi nấu. Bên cạnh đó, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ không gian nhà cửa, khu vực bếp của gia đình, luôn rửa tay sạch trước khi cầm nắm, chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh. Để hạn chế nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm tại các gia đình, cần hạn chế việc lưu trữ thức ăn từ sáng tới chiều tối, thậm chí để qua đêm. Người dân cũng cần thay đổi thói quen trữ đủ loại thức ăn, rau củ, thịt cá trong tủ lạnh.

Để tăng cường hơn nữa công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, trong thời gian đến, các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Thuận sẽ thường xuyên tổ chức triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn theo phân cấp quản lý, đảm bảo tránh chồng chéo giữa các đoàn thanh, kiểm tra trên địa bàn. Nội dung kiểm tra tập trung vào thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm như: điều kiện sản xuất, chế biến thực phẩm; chất lượng, an toàn thực phẩm, hạn sử dụng, nguồn gốc nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm, việc công bố/ tự công bố sản phẩm, ghi nhãn sản phẩm và quảng cáo thực phẩm; việc thực hiện chế độ kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo quy định.

Thông qua công tác kiểm tra, sẽ kịp thời phát hiện sớm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các cơ sở không đảm bảo an toàn thực phẩm, cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (thuộc đối tượng phải cấp). Đồng thời công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cho cộng đồng.

Hữu Tri

comment Bình luận