Cần Thơ: Tập huấn hướng dẫn giám sát viêm phổi nặng do vi rút, lấy mẫu và xử lý ổ dịch cúm A

Vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Cần Thơ tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn giám sát viêm phổi nặng do vi rút, lấy mẫu, và xử lý ổ dịch cúm A (H5N1) cho gần 100 cán bộ là lãnh đạo và cán bộ phụ trách tại các bệnh viện trong, ngoài công lập và trung tâm y tế các quận, huyện trên địa bàn thành phố.
9:28 | 04/05/2024

Để chủ động ngăn chặn bệnh cúm gia cầm xâm nhập và lây nhiễm sang người tại thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Cần Thơ tổ chức lớp tập nhằm cập nhật hướng dẫn giám sát viêm phổi nặng do vi rút; giám sát và đáp ứng điều tra, xử lý dịch cúm gia cầm trên người; hướng dẫn lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển bệnh phẩm vi rút cúm A (H5N1). Tại lớp tập huấn, các học viên trao đổi, trình bày những khó khăn, vướng mắc xoay quanh các vấn đề về công tác giám sát, xét nghiệm.

Ông Hà Tấn Vinh - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Cần Thơ phát biểu khai mạc

Ông Hà Tấn Vinh - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Cần Thơ phát biểu khai mạc

Vi rút cúm lây từ gia cầm sang người qua dịch tiết mũi họng, dịch cơ thể (máu, dịch phổi...) và phân. Vì vậy, các hành vi sau đây là các hành vi nguy cơ có thể lây nhiễm như: Giết mổ gia cầm bệnh hoặc chết; chơi gà đá, “tiếp nước” cho gà đá hoặc buôn bán, ôm gà, vịt; ăn tiết canh vịt; ăn thịt gia cầm chưa nấu chín; uống phải nước nhiễm phân gà, vịt khi bơi lội ở nơi có vịt chạy đồng hoặc nơi có vứt xác gà, vịt bệnh xuống sông; hít phải hoặc bị bắn vào mắt nước nhiễm bẩn; tay nhiễm bẩn do tiếp xúc chất thải, chất tiết của gà, vịt bệnh, qua vật dụng làm gà, vịt chưa được rửa sạch bằng xà phòng hoặc chất sát khuẩn khác; sử dụng phân gà làm phân bón trong trồng trọt.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Cần Thơ khuyến cáo các hộ gia đình cần phát hiện sớm hiện tượng gia cầm chết hàng loạt và thông báo ngay cho chính quyền địa phương để kịp thời ngăn chặn dịch lây lan. Tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng gia cầm nghi bị bệnh cúm. Khi có người bị sốt cao có liên quan đến gia cầm bị bệnh phải đến ngay cơ quan y tế để điều trị kịp thời. Dùng Chloramin B và các chất khử khuẩn mạnh để diệt khuẩn và tẩy uế chuồng trại thường xuyên trong từng hộ gia đình và các khu vực có dịch cúm gia cầm.

Quang cảnh lớp tập huấn

Quang cảnh lớp tập huấn

Trước đó, theo thông báo từ Bộ Y tế, ngày 2/4/2024, Viện Pasteur TP. HCM báo cáo ghi nhận trường hợp cúm A(H9) là bệnh nhân nam 37 tuổi, trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Đây là trường hợp nhiễm cúm A(H9) trên người đầu tiên được ghi nhận tại Việt Nam từ trước đến nay. Vào tháng 3/2024, tại Khánh Hòa đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do mắc cúm A(H5N1) trên người. Từ năm 2015 đến nay, ở khu vực Tây Thái Bình Dương ghi nhận 98 trường hợp mắc cúm A(H9N2), bao gồm 2 trường hợp tử vong đều là các bệnh nhân có bệnh nền, trong đó 96 trường hợp bệnh được ghi nhận ở Trung Quốc và 2 trường hợp bệnh được nghi nhận tại Campuchia.

Đỗ Quyên

comment Bình luận