Cần Thơ: Điều trị thành công cho bệnh nhi 7 tuổi bị phản ứng phản vệ

Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi N.N.H tại TP. Cần Thơ bị phản ứng phản vệ. Đáng chú ý, bệnh nhi có triệu chứng ban đầu là nổi mề đay và ngứa toàn thân, thường được phụ huynh xem nhẹ như dị ứng thông thường.
11:14 | 09/09/2024

Thông tin từ gia đình chia sẻ, 2 ngày trước nhập viện, bé H nổi mề đay tự nhiên, ngứa rải rác ở phần lưng, bụng và tay chân. Gia đình có đưa bé đi khám ở phòng khám tư và uống thuốc. Tuy nhiên, triệu chứng mề đay và ngứa vẫn tiến triển nhiều hơn, bé cảm giác khó chịu bức rứt nên đã được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long.

Sau khi tiếp nhận và thăm khám ban đầu, các bác sĩ ở Khoa Cấp cứu đã xử trí thuốc chống phản ứng phản vệ cho bé, chuyển về phòng hồi sức nhi (NICU) theo dõi. Tuy nhiên, tình trạng mề đay vẫn diễn tiến phức tạp, bé bắt đầu xuất hiện những cơn sốt cao liên tục, lừ đừ hơn. Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn chuyên khoa hồi sức nhi và chuyên khoa da liễu để điều trị tích cực cho bệnh nhi. Theo ghi nhận, bé chưa từng có tiền sử dị ứng thuốc hay thức ăn, 2 tuần nay bé không sốt, sinh hoạt bình thường, có tẩy giun đình kỳ mỗi 6 tháng.

Sau khi có kết quả cận lâm sàng, bệnh nhi được chẩn đoán: Mề đay dị ứng - Nhiễm trùng huyết - Nhiễm vi khuẩn Helicobacteria Pylori (Hp) và được điều trị chống dị ứng, sử dụng kháng sinh. Sau 24 giờ dùng thuốc đặc hiệu, bé đáp ứng tốt, giảm nổi mày đay rõ rệt, hết sốt, ăn uống khá, không lừ đừ, không than đau bụng và được xuất viện sau 10 ngày điều trị.

638612976025913445860

BS.CKI Quách Thị Kim Phúc - Khoa Nhi, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết: “Mề đay cấp là bệnh lý có thể gặp ở mọi lứa tuổi, với vô số dị nguyên (chất có thể gây ra các phản ứng dị ứng) gây nên. Trong đó, thường gặp nhất là dị ứng thuốc, thực phẩm, lông động vật, thời tiết, hóa chất,... và một số ít do di truyền hoặc rối loạn hệ thống miễn dịch. Khi bị mày đay da sẽ rất ngứa, do đó, người bệnh không nên xoa gãi, không chườm đắp các loại thuốc dân gian (lá trầu, nước tắm thảo dược, kem đánh răng,…) vì có thể làm trầy xước, chảy máu, gây bội nhiễm da, làm nặng thêm tình trạng dị ứng không mong muốn”.

Với trường hợp nổi mề đay dù chưa xác định rõ nguyên nhân nhưng cần xử trí đúng cách như ngừng tiếp xúc với các dị nguyên nghi ngờ (thuốc, thức ăn…), đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để làm thêm các xét nghiệm tìm ra nguyên nhân gây dị ứng. Nếu cảm thấy đột ngột khó thở, đau bụng đi ngoài liên tục, hoặc mệt mỏi, ngất xỉu hay sốt cao, cần nhanh chóng đến bệnh viện chuyên khoa để được cấp cứu kịp thời.

Với đối tượng trẻ em, phụ huynh không nên xem nhẹ triệu chứng nổi mày đay, không tự ý dùng thuốc và thức ăn đã có tiền sử gây phản ứng phản vệ trước đó cho trẻ. Phụ huynh nên cung cấp thông tin chính xác về tiền sử dị ứng của trẻ cho nhân viên y tế khi có chỉ định dùng thuốc. Đồng thời, chú ý điều trị và dự phòng nhiễm ký sinh trùng khi có chỉ định, sổ giun định kỳ cho trẻ trên 1 tuổi ít nhất 6 tháng/lần.

H.Xuân

comment Bình luận