Cần Thơ: Cứu sống người bệnh ngưng tim nguy kịch

Biệt đội cấp cứu 916 (cấp cứu tại nhà) của Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, đã cứu sống thành công một trường hợp ngưng tim nguy kịch do nhồi máu cơ tim cấp biến chứng rối loạn nhịp tim. Sau khoảng 10 phút ngưng tim và được hồi sức tim phổi tích cực, tim bệnh nhân bắt đầu đập trở lại.
15:46 | 25/03/2025

Trường hợp được cứu sống là ông T.Đ.H, 65 tuổi, tại TP. Cần Thơ. Cách nhập viện khoảng 4 giờ, ông H đột ngột lên cơn đau ngực, vã mồ hôi, khó thở, tình trạng đau ngày càng tăng. Người nhà đã đưa ông H đến trạm y tế địa phương đo huyết áp tụt và đo điện tim có dấu hiệu nhồi máu cơ tim cấp. Sau đó gia đình đã gọi cấp cứu ngoại viện Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long.

Nhận được thông tin, biệt đội cấp cứu 916 của Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long nhanh chóng xuất phát. Khi đến nơi, các bác sĩ xác định bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp, nguy cơ ngưng tim cao và cần vận chuyển khẩn cấp đến bệnh viện. Trong quá trình di chuyển, tình huống nguy hiểm nhất đã xảy ra: Bệnh nhân ngưng tim đột ngột. Không để chậm trễ dù chỉ một giây, đội cấp cứu lập tức thực hiện hồi sức tim phổi ngay trên xe cứu thương, bao gồm xoa bóp tim ngoài lồng ngực, hỗ trợ đường thở, tiêm thuốc trợ tim, đồng thời gọi báo trước cho khoa cấp cứu để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân.

Khi đến bệnh viện, quy trình CODE BLUE và CODE STEMI ngay lập tức được kích hoạt. CODE BLUE giúp cấp cứu người bệnh ngưng tim, ngưng thở, trong khi CODE STEMI tối ưu hóa thời gian và nguồn lực để cấp cứu người bệnh nhồi máu cơ tim cấp. Ngay khi bệnh nhân nhập viện, các bác sĩ đã tiến hành sốc điện khử rung kết hợp hồi sức tim phổi nâng cao. Sau khoảng 10 phút ngưng tim, tim bệnh nhân bắt đầu đập trở lại.

Ngay sau khi tim tái lập nhịp đập, bệnh nhân được chuyển đến phòng can thiệp mạch số hóa xóa nền (DSA) hai bình diện để chụp mạch vành, đặt máy tạo nhịp tạm thời hỗ trợ nhịp tim và can thiệp đặt một stent phủ thuốc mở thông động mạch vành phải. Sau khi can thiệp thành công, bệnh nhân được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực & Chống độc (ICU) để tiếp tục hồi sức bằng phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy, giúp giảm tối đa tổn thương não sau ngưng tim. Nhờ quy trình xử trí nhanh chóng và chính xác, bệnh nhân dần hồi phục và được xuất viện sau 7 ngày trong tình trạng ổn định, khỏe mạnh.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân

Theo BS.CKI Thạch Som Anh - Khoa cấp cứu, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long: “Thời gian là yếu tố sống còn trong cấp cứu nhồi máu cơ tim cấp. Đội ngũ cấp cứu đã tận dụng từng giây phút để đưa ra quyết định từ cấp cứu ngoại viện cho đến các bước xử trí tại bệnh viện. Việc kích hoạt CODE STEMI - CODE BLUE kịp thời góp phần giúp cứu sống người bệnh”.

Cùng quan điểm, BS.CKI Trần Thanh Khiết - Trưởng khoa cấp cứu chia sẻ: “Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long đã triển khai quy trình CODE STEMI - CODE BLUE nhiều năm qua, với sự phối hợp nhịp nhàng giữa các khoa phòng. Đội CODE luôn sẵn sàng 24/7, ngay khi kích hoạt, toàn bộ bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế từ nhiều chuyên khoa lập tức có mặt và phối hợp cấp cứu đồng bộ, chuyên nghiệp. Đây chính là yếu tố giúp nâng cao tỷ lệ cứu sống bệnh nhân”.

Nhồi máu cơ tim cấp là một cấp cứu tim mạch tối khẩn cấp với tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt khi có biến chứng ngưng tim, rối loạn nhịp, vỡ tim. Nhận biết sớm các triệu chứng là yếu tố quan trọng giúp giảm nguy cơ biến chứng và tử vong. Các triệu chứng cần lưu ý gồm: Đau ngực dữ dội (có thể lan ra tay, hàm, lưng); vã mồ hôi, khó thở, xanh tái; hốt hoảng, hồi hộp, choáng váng

Nhồi máu cơ tim có thể xảy ra ở bất kỳ ai, kể cả người trẻ. Những đối tượng có nguy cơ cao như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, thừa cân, hút thuốc lá, làm việc căng thẳng, ít vận động nên tầm soát sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

H.Xuân

comment Bình luận