Cần Thơ: Cấp cứu kịp thời người bệnh đột quỵ tuỷ sống hiếm gặp

Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long vừa cấp cứu và điều trị thành công một trường hợp đột quỵ tủy sống hiếm gặp.
22:10 | 21/03/2025

Bệnh nhân P.V.Đ, 66 tuổi, tại tỉnh Vĩnh Long được chuyển từ bệnh viện địa phương đến khoa cấp cứu, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long trong tình trạng yếu liệt nửa người phải với chẩn đoán nghi đột quỵ cấp.

Theo lời kể từ gia đình thì cách nhập viện khoảng 3,5 giờ, người bệnh đang sinh hoạt bình thường thì đột ngột đau vùng cổ, ngực, sau đó tê và yếu tay chân phải.

Qua khai thác bệnh sử và tiến hành các thăm khám ban đầu, các bác sĩ cấp cứu nhận định sơ bộ đây là một trường hợp theo dõi đột quỵ não cấp, phân biệt với đột quỵ tủy sống cấp. Ngay lập tức bệnh viện tiến hành kích hoạt CODE STROKE - quy trình cấp cứu bệnh nhân đột quỵ cấp. Sau khi tiến hành các cận lâm sàng chẩn đoán, kết quả cho thấy não bộ người bệnh bình thường, hình chụp MRI (cộng hưởng từ) cột sống cổ ghi nhận khối máu tụ tối cấp ngoài màng cứng vùng phía sau ống sống từ mức cổ C4-T4, gây chèn ép nặng và phù tủy cổ tương ứng. Đến đây người bệnh được chẩn đoán xác định: Tụ máu ngoài màng cứng - màng tủy tối cấp có chèn ép tủy cấp.

Người bệnh được hội chẩn chuyên khoa cấp cứu, ngoại thần kinh và có chỉ định phẫu thuật cấp cứu lấy khối máu tụ. Sau khi phẫu thuật lấy khối máu tụ giải áp tủy sống cũng như cầm máu các động mạch màng cứng và tĩnh mạch, người bệnh được chuyển sang phòng hậu phẫu theo dõi. Tình trạng người bệnh sau đó tỉnh táo, sức cơ tay chân phục hồi gần như hoàn toàn. Hiện các chỉ số sinh hiệu của người bệnh ổn định và được xuất viện theo dõi tái khám ngoại trú sau 5 ngày điều trị.

Bệnh nhân được theo dõi chăm sóc điều trị tại bệnh viện

Bệnh nhân được theo dõi chăm sóc điều trị tại bệnh viện

BS.CKII Nguyễn Thị Thuỳ Mỵ - Phó Trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết: Đột quỵ tủy sống thường là kết quả của thiếu máu cục bộ bắt nguồn từ một động mạch đốt sống ngoài. Theo thống kê, đột quỵ tủy sống thường hiếm gặp, chỉ ở khoảng 1,25% trong tất cả các trường hợp đột quỵ.

Tủy sống dùng các xung thần kinh để giao tiếp với các bộ phận khác của cơ thể. Ở các trường hợp nặng của đột quỵ tủy sống, các xung thần kinh không thể giao tiếp đầy đủ có thể dẫn đến liệt và thậm chí đe dọa tính mạng. Phần lớn các trường hợp đột quỵ tủy xảy ra là do có sự thay đổi trong hình dạng của các mạch máu. Các yếu tố nguy cơ của bệnh cũng bao gồm: Có những nhân tố có thể làm tăng khả năng xảy ra của tình trạng này như: Cholesterol cao, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, béo phì, đái tháo đường, hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, lối sống ít vận động thể dục.

Các triệu chứng của đột quỵ tuỷ bao gồm đau đột ngột, nghiêm trọng ở cổ và lưng, ngay sau đó là sự tiến triển nhanh chóng yếu mềm chân tay hai bên và mất cảm giác. Vị trí tổn thương càng cao có thể gây yếu liệt nửa người tương tự như đột quỵ não cấp và thường chẩn đoán dễ nhầm lẫn. Người bệnh này khi nhập Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long đã được chẩn đoán đúng bệnh ngay từ sớm, xử trí đúng phương pháp, không bỏ lỡ “thời gian vàng” trong điều trị đột quỵ. Nhờ đó, người bệnh hồi phục nhanh chóng và không để lại di chứng.

Thông qua trường hợp người bệnh này, các bác sĩ khuyến cáo khi xuất hiện các triệu chứng bất thường ở cơ thể như đau bất thường, thay đổi huyết áp, yếu liệt tay chân thì cần đưa người bệnh đến bệnh viện có chuyên khoa đột quỵ và tim mạch để chẩn đoán đúng bệnh và điều trị kịp thời.

H.Xuân

comment Bình luận