Cần Thơ: Cứu sống người bệnh bị nhồi máu cơ tim cấp

Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long vừa cứu sống thành công bệnh nhân 42 tuổi bị nhồi máu cơ tim cấp với nguy cơ tử vong cao.
11:13 | 22/10/2024

Khoảng 23 giờ trước khi nhập viện, chị H.T.T.T, 42 tuổi, tại tỉnh An Giang, bị đau ngực trái dữ dội, nôn, ngất xỉu nên được gia đình đưa đến Bệnh viện Tim mạch An Giang cấp cứu và chuyển tuyến đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long với chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp. Bệnh nhân chưa ghi nhận tiền sử bệnh lý nền nào khác.

Ngay khi bệnh nhân đến khoa cấp cứu, đội ngũ y tế tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long lập tức kích hoạt quy trình CODE STEMI - cấp cứu cho người bệnh nhồi máu cơ tim cấp qua hệ thống phát thanh toàn viện. Đội CODE có mặt và tiến hành cấp cứu cho người bệnh một cách hệ thống, nhanh chóng và chính xác. Kết quả chụp mạch máu tim cho thấy, người bệnh tắc một nhánh mạch máu lớn nuôi tim, được chỉ định can thiệp mạch vành cấp cứu và đặt 1 stent (giá đỡ thành mạch máu) để tái thông vị trí bị tắc và sử dụng thuốc trợ tim để hỗ trợ. Sau can thiệp 24 giờ, sức khoẻ người bệnh đã ổn định và được xuất viện sau 7 ngày điều trị.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân

BS.CKII Nguyễn Hữu Thái - Trưởng khoa nội tim mạch - can thiệp nội mạch, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết: “Người bệnh nhồi máu cơ tim cấp cần được cấp cứu càng sớm càng tốt sau khi phát hiện, tốt nhất là trong 6 giờ đầu. Nếu can thiệp tái thông mạch vành muộn, cơ tim bắt đầu hoại tử diện rộng, có nguy cơ gây thủng tim, tràn máu màng tim, chèn ép khiến tim ngừng co bóp, nguy cơ tử vong cao. Trường hợp của chị H. T. T. T là rất may mắn vì gia đình đã đưa tới bệnh viện sớm, kịp thời tái thông mạch vành trong thời gian vàng. Nếu không được sốc điện kịp thời, người bệnh có thể đã tử vong khi lên cơn loạn nhịp. Theo ghi nhận của đội CODE, sau 42 phút kích hoạt CODE STEMI người bệnh được cấp cứu và tái thông hoàn toàn nhánh mạch máu tắc”.

ThS.BS Quách Tấn Đạt - Phó Trưởng khoa nội tim mạch - can thiệp nội mạch, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết, cùng với sự phát triển của xã hội, mô hình bệnh tật đã thay đổi, trong đó các bệnh lý về tim mạch có xu hướng ngày càng trẻ hoá. Thực tế cho thấy, biến cố tim mạch có thể xảy ra ở những người tuổi đời còn rất trẻ. Nhồi máu cơ tim là một bệnh lý nguy hiểm, có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được điều trị kịp thời. Đây cũng là một gánh nặng lớn về chi phí điều trị đối với gia đình và xã hội. Vì vậy, nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, đặc biệt xuất hiện các cơn đau tức ngực, khó thở, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn,… người dân cần đến bệnh viện chuyên khoa tim mạch để được thăm khám sớm và cấp cứu kịp thời.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân phòng ngừa bệnh lý tim mạch bằng cách tăng cường tập luyện thể dục thể thao, có chế độ ăn uống lành mạnh, tránh các chất kích thích có hại như rượu bia, thuốc lá... Đồng thời, nên đi khám sức khoẻ định kỳ, để phát hiện và điều trị các bệnh lý tim mạch, tránh trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

H.Xuân

comment Bình luận