Bệnh Viện Mắt TP.HCM nhận giải thưởng Thành tựu Y khoa Việt Nam năm 2023
Bệnh viện Mắt TP.HCM đạt giải với công trình “Ứng dụng kỹ thuật tối ưu – Quà tặng vô giá cho trẻ em Glaucoma (Glôcôm)”.
Trẻ mắc bệnh Glôcôm vì do tác hại của thuốc có thành phần corticoid
Do bị chàm bẩm sinh trên đôi bàn tay, gia đình em M.H (ở quận 8, TP.HCM) đã mua thuốc có thành phần corticoid để bôi nhằm thuyên giảm. Nhưng do sử dụng thuốc có corticoid trong một thời gian dài, dẫn đến em M.H bị tăng nhãn áp, mắt đau nhức, nhìn mờ và phải bảo lưu lại chương trình học để điều trị.
Một trường hợp khác, em T.A (ở quận Bình Tân, TP.HCM) mắc bệnh lý viêm màng bồ đào tại mắt, cần điều trị corticoid uống và nhỏ. Sau một thời gian điều trị với corticoid, em cảm thấy nhức mắt, nhức đầu và nhìn mờ. Tình trạng mắt của em ngày càng nặng nên gia đình đã đưa em đi thăm khám tại Bệnh viện Mắt TP.HCM.
BS.CKII Trang Thanh Nghiệp – Trưởng Khoa Glaucoma Bệnh viện Mắt TP.HCM cho biết, bệnh Glôcôm có nhiều nguyên nhân, riêng ở trẻ em chủ yếu do bẩm sinh và có thể phát hiện từ khi trẻ mới vài tháng tuổi. Đối với bệnh Glôcôm do corticoid, cứ mỗi 10000 bệnh nhân có sử dụng corticoid sẽ có 280 bệnh nhân bị Glôcôm do corticoid, tần suất glaucoma steroid chiếm tỷ lệ ¼ trong các hình thái glaucoma thứ phát.
Theo BS Nghiệp, hiện việc sử dụng hoạt chất corticoid, dân gian thường gọi là “thuốc có dexa” không kiểm soát đa phần do người nhà tự mua tại quầy thuốc hoặc tự dùng tiếp toa thuốc theo chỉ định điều trị của bác sĩ dẫn đến việc nhiều trường hợp bị mắc bệnh Glôcôm do corticoid.
Ngoài ra, một số bệnh lý cần phải được điều trị với corticoid kéo dài bằng đường toàn thân (uống, tiêm) và tại chỗ (hít, thoa, nhỏ hoặc tiêm tại mắt) như hen suyễn, chàm, viêm kết mạc dị ứng, những bệnh lý tự miễn và ghép tạng,... bên cạnh hiệu quả cao trong kiểm soát viêm giúp bệnh nhân cảm thấy hết nhanh các triệu chứng nhưng đằng sau đó, việc tăng áp lực nội nhãn (nhãn áp) và glôcôm (cườm nước) là biến chứng không mong muốn của thuốc có corticoid.
“Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến giảm thị lực và mù loà không hồi phục ở những bệnh nhân sử dụng corticoid kéo dài”, BS Nghiệp cho hay.
Cũng theo BS Nghiệp, bệnh Glôcôm không thể chữa khỏi hoàn toàn. Mục đích điều trị Glôcôm là nhằm ngăn chặn bệnh không tiếp tục gây tổn thương đầu dây thần kinh thị giác. Người mắc bệnh Glôcôm có thể duy trì thị lực bằng các phương pháp nội khoa hoặc ngoại khoa.
“Hiện nay, Bệnh viện Mắt TP.HCM là đơn vị chính tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp trẻ tăng nhãn áp và glôcôm thứ phát do corticoid như những trường hợp em T.A, em M.H nêu trên. Để phát hiện sớm, các bố mẹ cần theo dõi xem con có sợ ánh sáng hay không, có thấy giác mạc to hơn bình thường, hay chảy nước mắt thì cần cho đi khám chuyên khoa, đo nhãn áp để chẩn đoán đúng bệnh”, BS Nghiệp khuyến cáo.
Phương pháp mở góc tiền phòng kết hợp rửa góc tiền phòng – Mở ra hướng điều trị tối ưu cho bệnh nhi Glôcôm
Trăn trở với tình trạng tăng nhãn áp ở những bệnh nhân Glôcôm do corticoid, qua nghiên cứu và xác định là do những biến đổi cấu trúc tại con đường thoát lưu dịch của mắt, đội ngũ các bác sĩ của Bệnh viện Mắt TP.HCM, nhất là Nhóm bác sĩ Nhi và Khoa Glaucoma đã nghiên cứu ra nghĩ ra một phương pháp tối ưu hơn trong phẫu thuật để điều trị trẻ em bị bệnh Glôcôm. Đó là phương pháp phẫu thuật mở góc tiền phòng kèm rửa góc tiền phòng giúp tái lập con đường thoát lưu dịch tự nhiên sẵn có của mắt (đã bị tắc nghẽn do dùng corticoid kéo dài) và giải quyết nguyên nhân chính của tình trạng tăng nhãn áp.
BS Nghiệp cho biết đây là một phẫu thuật kết hợp mới, ít xâm lấn, có hiệu quả kinh tế cao và an toàn trong điều trị glôcôm do corticoid ở trẻ em, so với điều trị số lượng lớn thuốc nhỏ hạ nhãn áp và những phẫu thuật truyền thống.
“Với phương pháp này, đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Mắt TP.HCM đã và đang mở ra rất nhiều cơ hội cho bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nhi”, BS Nghiệp nhận định.
Theo BS Nghiệp, so với trước đây, phẫu thuật đầu tay trong điều trị glôcôm thứ phát do corticoid là cắt bè củng mạc hoặc đặt van dẫn lưu tiền phòng, nhằm tạo một con đường thay thế giúp thoát lưu dịch nội nhãn ra bên ngoài để hạ nhãn áp. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, tình trạng viêm và xơ sẹo nhiều làm tỉ lệ thất bại cao, trẻ cần phải phẫu thuật thêm nhiều lần. Ngoài ra, những phẫu thuật này có nguy cơ cao xuất hiện những biến chứng nguy hiểm đe doạ thị lực của trẻ như hạ nhãn áp quá mức, bong hắc mạc, nhiễm trùng bọng, viêm mủ nội nhãn…
Theo thống kê ở Bệnh viện Mắt TP.HCM, sau 4 năm nghiên cứu, phương pháp tiên tiến này đã được áp dụng chính thức từ năm 2022 và đến nay đã phẫu thuật thành công cho hơn 50 bệnh nhân gặp vấn đề bệnh nói trên.
Hiện, phương pháp phẫu thuật này được đưa vào phác đồ điều trị của Bệnh viện Mắt TP.HCM và có thể được khuyến cáo sử dụng rộng rãi tại các cơ sở nhãn khoa tại Việt Nam cũng như trên thế giới nhằm mang lại thị lực và chất lượng thị giác tốt nhất cho bệnh nhân.
Cao Ánh
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Gia Lai phát động tháng hành động vì bình đẳng giới
Vừa qua, tại TP. Pleiku, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Gia Lai phát động “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” năm 2024.November 21 at 8:52 am -
400 triệu đồng gây quỹ hỗ trợ sinh viên tại giải golf Trường Đại học Luật TP.HCM
Ngày 19/11, giải golf mở rộng lần I năm 2024 của Trường Đại học Luật TP.HCM diễn ra nhằm chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam. Sự kiện quy tụ 144 golfer, bao gồm các cựu giảng viên, cựu sinh viên và doanh nhân từ nhiều lĩnh vực khác nhau.November 20 at 1:03 pm -
Ninh Thuận: Phát động tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2024
Sáng 18/11, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức lễ phát động tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2024, ông Trịnh Minh Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì lễ phát động.November 19 at 4:05 pm -
Bình Thuận: Phát động tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Sáng 18/11, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Thuận tổ chức lễ phát động tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024.November 19 at 8:38 am