Bệnh tăng huyết áp và cách phòng tránh

Tăng huyết áp là bệnh lý phổ biến trong cộng đồng, là nỗi ám ảnh đối với sức khỏe, bệnh tăng huyết áp hiện đang có dấu hiệu trẻ hóa.
11:04 | 09/11/2023

Thế nào là tăng huyết áp

Huyết áp là áp lực máu ở trong lòng động mạch, huyết áp được tạo ra do lực co bóp của tim và sức cản của động mạch. Khi tim co bóp, máu sẽ được bơm vào các mạch máu, ép vào thành động mạch làm mạch máu căng ra. Số đo huyết áp tại thời điểm tim co bóp được gọi là huyết áp tâm thu hay huyết áp tối đa. Sau khi co bóp, tim sẽ giãn ra, thành động mạch sẽ trở về trạng thái ban đầu, số đo huyết áp tại thời điểm này được gọi là huyết áp tâm trương hay huyết áp tối thiểu. 

Tăng huyết xảy ra khi số đo huyết áp tâm thu từ 140mmHg hoặc huyết áp tâm trương từ 90mmHg trở lên. Khoảng trên 90% các trường hợp tăng huyết áp không rõ nguyên nhân, các thường hợp này được gọi là bệnh tăng huyết áp (tăng huyết áp tiên phát). Khoảng dưới 10% các trường hợp tăng huyết áp có nguyên nhân, được gọi là tăng huyết áp triệu chứng (tăng huyết áp thứ phát).

Tăng huyết áp là bệnh lý phổ biến trong cộng đồng (ảnh minh họa)

Tăng huyết áp là bệnh lý phổ biến trong cộng đồng (ảnh minh họa)

Đặc điểm của huyết áp là có sự thay đổi khá lớn trong ngày và giữa các ngày trong tuần. Để khẳng định là mắc bệnh tăng huyết áp thì phải được đo ít nhất trong 2 kỳ khác nhau, mỗi kỳ đo ít nhất 3 lần trong những điều kiện như nhau, người được đo phải được nghỉ ít nhất 15 - 20 phút.

Tất cả những người trưởng thành phải được đo huyết áp một cách thường xuyên ít nhất là một năm 2 lần. Cần kiểm tra huyết áp ngay khi có các dấu hiệu như nhức đầu, hồi hộp, mờ mắt,chóng mặt, toát mồ hôi, tê nửa người hoặc một tay hoặc chân, đau ngực, khó thở, đi tiểu nhiều.

Bệnh tăng huyết áp nếu không được điều trị, lâu ngày sẽ sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến các cơ quan trong cơ thể. Tăng huyết áp có 3 giai đoạn, khi bệnh tiến triển đến giai đoạn 3 là giai đoạn của các biến chứng, hay gặp là tai biến mạch máu não do đứt mạch máu não hoặc tắc mạch não gây nhồi máu não, suy tim trái. Đối với tai biến mạch máu não, mặc dù bệnh nhân qua khỏi, nhưng di chứng để lại rất nặng nề.

Đa số các bệnh nhân tăng huyết áp đều cảm thấy trong người hoàn toàn bình thường, chỉ phát hiện khi có những biểu hiện  như nhức đầu, mờ mắt, chóng mặt, đánh trống ngực hoặc khi có các biến chứng nặng hơn như tai biến mạch máu não,… chính vì thế tăng huyết áp được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”.

Điều trị tăng huyết áp sẽ giúp hạn chế sự tiến triển của bệnh, giảm tối đa nguy cơ các biến chứng tim mạch, não và tử vong. Do đó khi bị tăng huyết áp cần phải điều trị cho dù cảm thấy trong người hoàn toàn bình thường.

Phòng tránh các yếu tố nguy cơ gây bệnh tăng huyết áp

Bỏ hút thuốc lá là biện pháp mạnh mẽ nhất để đề phòng các bệnh tim mạch và ngoài tim mạch.

Hạn chế uống rượu, bia: Uống rượu nhiều làm tăng nguy cơ đột quỵ và giảm tác dụng của một số thuốc giảm áp.

Chế độ ăn: Thực hiện chế độ ăn giảm muối sẽ giúp làm giảm huyết áp và làm tăng tác dụng hạ áp của các thuốc điều trị tăng huyết áp. Người bị tăng huyết áp nên dùng các thức ăn có chứa nhiều kali, ăn nhiều quả chín, nên ăn cá, đậu đỗ, lạc, vừng, không ăn mỡ và phủ tạng động vật có chứa nhiều a xit béo no và cholesterol gây xơ vữa động mạch.

Giảm cân và tập thể dục: Giảm cân sẽ giảm được huyết áp trên người thừa cân và có tác dụng tốt đối với các bệnh đi kèm như đái tháo đường, rối loạn li pít máu. Nên thường xuyên tập thể dục ở mức vừa phải như đi bộ, chạy bộ. Mức độ tập luyện phải tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh lý của người bệnh.

Luôn tạo và giữ một trạng thái tinh thần thoả mái, thanh thản.

Cần tuân thủ quy định chặt chẽ của thầy thuốc cách sử dụng thuốc, không được tự ý bỏ thuốc hoặc thay đổi thuốc.

Bác sĩ Đoàn Văn Diện - Thái Tuyền

 
comment Bình luận