Ăn mặn và nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch

Việc sử dụng quá nhiều muối trong các món ăn hằng ngày gây ra nhiều hệ lụy khôn lường đối với sức khỏe. Chế độ ăn thừa muối làm tăng nguy cơ mắc tăng huyết áp (THA) và các bệnh tim mạch có liên quan, đặc biệt là đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Hạn chế sử dụng đồ ăn mặn, duy trì chế độ ăn uống khoa học là biện pháp giúp giữ gìn sức và phòng bệnh tim mạch.
7:48 | 07/09/2024

Chế độ ăn thừa muối làm tăng nguy cơ mắc THA và các bệnh tim mạch có liên quan, đặc biệt là đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Nồng độ muối của các chất dịch trong cơ thể là ổn định. Vì thế khi ăn nhiều muối làm tăng áp lực thẩm thấu trong máu, cơ thể sẽ phải cần thêm nước để duy trì ổn định nồng độ dịch thể. Đáp ứng với yêu cầu này, cảm giác khát nước sẽ xuất hiện làm cho người ăn mặn phải uống nhiều nước, điều này đồng nghĩa với việc tăng dung lượng máu và tăng áp lực lên thành mạch. Hiện tượng này kéo dài sẽ làm tăng huyết áp. Ăn mặn sẽ làm tăng cường độ làm việc của hệ thống tim mạch, thận và tiết niệu nên sớm dẫn tới suy giảm chức năng hoạt động của các hệ cơ quan này như suy tim, suy thận.

Đối với những người đã mắc bệnh tăng huyết áp, suy tim, suy thận và suy gan, ăn nhiều muối sẽ làm bệnh tiến triển nhanh hơn. Đặc biệt, chế độ ăn nhiều muối ở trẻ em cũng có ảnh hưởng tới huyết áp và làm tăng khả năng mắc THA cũng như các bệnh khác. THA ở trẻ em còn để lại hậu quả THA ở người trưởng thành cũng như tăng nguy cơ biến chứng của THA do mắc bệnh sớm làm thời gian mắc bệnh kéo dài.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo số liệu điều tra của Bộ Y tế, hiện nay, trung bình mỗi người Việt hằng ngày đang ăn thừa gấp 2-3 lần so với lượng muối theo khuyến nghị là 5g/ngày. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe của mình và người thân, cần thực hiện giảm muối trong chế độ ăn của gia đình.

Ưu tiên chọn thực phẩm tươi thay vì các món ăn mặn thường ngày được chế biến sẵn như thịt muối, cá hộp, thịt xông khói, xúc xích, giò chả, dưa muối, cà muối, mì ăn liền, bim bim, hạt điều rang muối,... Nguyên nhân là vì các thực phẩm chế biến sẵn thường được cho thêm nhiều muối để có thể bảo quản được lâu. Nếu vẫn muốn ăn các thực phẩm này, người dùng nên chọn sản phẩm có hàm lượng muối thấp hơn (xem thành phần muối hoặc natri ghi trên nhãn dinh dưỡng thực phẩm).

Chọn cách chế biến món ăn: nên chế biến món luộc, hấp thay vì món cần nhiều gia vị mặn trong quá trình chế biến như món kho, rim, rang,... để làm giảm lượng muối ăn vào hằng ngày từ các loại đồ ăn mặn.

Khi nấu nướng, nếu muốn gia giảm gia vị mặn, người nấu nên nếm thức ăn trước khi thêm gia vị để đảm bảo cho vào lượng vừa đủ, không cho quá nhiều.

Trong trường hợp muốn giảm lượng muối ăn trong bữa ăn hằng ngày nên  giảm ăn muối một cách từ từ để cơ quan cảm nhận vị giác có thể dần thích nghi.

Giảm lượng gia vị mặn chứa nhiều muối cho vào món ăn bằng cách chế biến với các loại gia vị khác để tăng cảm giác của vị giác.

Bên cạnh đó, tự nấu ăn ở nhà để chủ động kiểm soát lượng muối ăn vào một cách tốt nhất. Hạn chế chấm nước mắm, hạt nêm,... Tốt nhất, khi ăn các loại nước chấm trên người dùng nên pha loãng, dùng thêm các gia vị khác như chanh, ớt, tỏi để tăng vị giác, bù cho vị mặn bị bớt đi. Nên sử dụng muối có chứa i-ốt để phòng chống bướu cổ, thiểu năng trí tuệ và các rối loạn khác do thiếu i-ốt.

Muối là loại gia vị có nhiều lợi ích đối với sức khỏe nhưng nếu sử dụng quá nhiều thì sẽ gây ra những hệ lụy không mong muốn. Do đó, chúng ta cần chú ý hạn chế sử dụng đồ ăn mặn, có chế độ ăn uống hợp lý và giàu dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe, bảo vệ gia đình mình chống lại bệnh tật.

Lê Kim

comment Bình luận