Vì sao nhiều con bò không những không Cʜếᴛ mà còn sống khỏe mạnh nhờ bị đục lỗ ngay trên cơ thể?

Việc phẫu thuật khoan lỗ trên thân bò hoàn toàn không gây tổn thương và chiếc lỗ cũng không ảnh hưởng đến tuổi thọ của con vật.
9:51 | 24/08/2020

Portia là một cô bò cái tại trường Đại học Tufts chuyên về nghiên cứu tại bang Massachusetts, Mỹ. Nó đã sống với một cái lỗ lớn được khoan vào bụng từ năm 2002. Thoạt đầu, nhìn có vẻ nguy hiểm đến tính mạng nhưng thực tế không phải như vậy. Cái lỗ đặt ở đó nhằm giúp các nhà khoa học nghiên cứu hệ thống tiêu hóa của Portia.

Portia không phải con bò duy nhất được áp dụng biện pháp này. Tại nhiều trang trại trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu, người ta tạo một khoang lớn trên bụng từng con bò rồi lắp một chiếc ống dẫn để họ có thể trực tiếp cho tay vào dạ dày bò và xử lý thức ăn. Nếu cần thiết, họ sẽ trực tiếp đổ thuốc vào dạ dày để những con bò tiêu hóa dễ hơn.

Một con bò sữa được khoan lỗ trên người.

Bên cạnh đó, người chăn nuôi còn có thể đánh giá tình trạng sức khỏe của bò vào từng thời điểm khác nhau. Qua đó, họ sẽ chọn và cân đối loại thức ăn phù hợp, giúp tăng sức đề kháng và thậm chí là tuổi thọ của bò. Việc phẫu thuật khoan lỗ trên thân bò hoàn toàn không gây tổn thương và chiếc lỗ cũng không ảnh hưởng đến tuổi thọ của con vật.

Dù cuộc phẫu thuật không làm tổn thương những con bò nhưng việc cắt bỏ vẫn cần thời gian phục hồi từ 4 đến 6 tuần và tất nhiên, con vật cho thấy nhiều dấu hiệu không thoải mái với việc này.

Người ta đánh dấu trên thân bò để xác định chỗ khoan lỗ.

Bò là động vật nhai lại và dạ dày của chúng có tới 4 ngăn bao gồm dạ cỏ, dạ tổ ong, dạ lá sách và dạ múi khế. Trong đó dạ cỏ là ngăn lớn nhất, chiếm khoảng 2/3 dung tích dạ dày. Đây là nơi chứa tất cả các loại vi khuẩn có lợi cần thiết để tiêu hóa thức ăn. Khi một con bò bị khó tiêu, điều đó nghĩa là vi khuẩn có hại đã xâm nhập vào đường tiêu hóa hoặc vi khuẩn có lợi đã chết. Và đây là lúc những chiếc lỗ trên thân bò phát huy tác dụng.

Những thứ không phải thức ăn như rác mà bò vô tình ăn vào có thể khiến chúng bị bệnh và thậm chí là chết. Chính vì vậy, chiếc lỗ sẽ giúp người chăn nuôi phát hiện và lôi ra ngoài để làm sạch dạ dày của bò. Để tránh vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh cho bò, người nông dân dùng một chiếc nắp đặc biệt để bịt miệng ống dẫn lại.

Một người chăn nuôi đang làm sạch dạ dày bò.

Có một phương pháp mà người nuôi bò hay áp dụng là thò tay vào lấy ra một lượng hỗn hợp màu xanh lá cây bên trong một con bò khỏe mạnh, vắt cho ra nước và đổ vào dạ dày của con bò bị bệnh. Nhờ đó, hệ tiêu hóa của bò bệnh sẽ được tăng cường.

Hỗn hợp màu xanh này sẽ giúp những con bò ốm cải thiện hệ thống tiêu hóa.

Ngoài ra, ngày nay, người ta còn khoan lỗ trên thân bò để thu khí metan trực tiếp từ dạ dày. Đây là loại khí góp phần gây ra hiệu ứng nhà kính và ảnh hưởng đến môi trường.

Phương pháp trên đã gây tranh cãi trong một thời gian dài. Một bên cho rằng về cơ bản, cách làm này đã hỗ trợ người chăn nuôi nâng cao sản lượng thịt, sữa, kéo dài tuổi thọ cho đàn bò sữa và giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về hệ tiêu hóa của bò. Trong khi nhiều người cho đây là phương pháp tàn nhẫn bởi dù chữa được bệnh cho bò nhưng cuối cùng, chúng vẫn bị giết mổ lấy thịt phục vụ nhu cầu của con người.

comment Bình luận