Ngang nhiên bán ‘lúa non’ dự án sân bay cũ Nha Trang, ai đứng sau Tập đoàn Phúc Sơn của ‘đại gia’ Nguyễn Văn Hậu?

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho rằng, tại Dự án Khu trung tâm đô thị Thương mại – Dịch vụ - Tài chính – Du lịch Nha Trang, Tập đoàn Phúc Sơn ngang nhiên kinh doanh, thu tiền của khách hàng khi chưa đủ điều kiện được huy động vốn.
14:08 | 01/07/2021

Kết luận của Thanh tra Chính phủ xác định nhiều sai phạm tại dự án của Tập đoàn Phúc Sơn


“Bán lúa non” dự án

Ngày 30/6, Thanh tra Chính phủ ban hành thông báo kết luận Thanh tra số 1029/TB-TTCP về việc chấp hành chính sách, pháp luật liên quan đến các dự án BT sử dụng quỹ đất thanh toán tại các dự án khu vực sân bay Nha Trang. Theo đó, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra nhiều vi phạm trong 03 dự án BT do Công ty Phúc Sơn làm nhà đầu tư.

Theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ, Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn đã đưa bất động sản vào kinh doanh, thu tiền của khách hàng khi bất động sản của dự án chưa đủ điều kiện được đưa vào kinh doanh là vi phạm pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Tuy nhiên, hành vi vi phạm đã được UBND tỉnh Khánh Hòa kịp thời phát hiện và ban hành Quyết định số 1268/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Tập đoàn Phúc Sơn, mức phạt tiền là 275.000.000 đồng. Thanh tra Chính phủ yêu cầu cơ quan chức năng cần có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với việc ‘bán lúa non’ dự án.

Trước đó, vào tháng 6/2019, UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị công an điều tra việc mua bán bất động sản tại dự án đô thị sân bay Nha Trang do Tập đoàn Phúc Sơn đầu tư. Trong khi 3 dự án BT đối ứng khác vẫn chậm tiến độ, chưa hoàn thành thì Phúc Sơn đã phân lô, bán nền đất từ lâu.

Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hoà cũng có báo cáo gửi UBND tỉnh về việc mua bán, chuyển nhượng bất động sản liên quan đến Khu Trung tâm đô thị thương mại - Dịch vụ - Tài chính – Du lịch Nha Trang (Khu trung tâm Đô thị Nha Trang) do CTCP Tập đoàn Phúc Sơn (Tập đoàn Phúc Sơn) làm chủ đầu tư.

Cũng theo kết luận thanh tra, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn (Công ty Phúc Sơn) được UBND tỉnh Khánh Hoà lựa chọn là Nhà đầu tư của 03 dự án BT (Xây dựng – Chuyển giao): Dự án Nút giao thông Ngọc Hội, Dự án đường vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội và Dự án các tuyến đường, các nút giao thông kết nối khu sân bay Nha Trang.

Các dự án trên có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 3.280 tỷ đồng. Cụ thể, Dự án Nút giao thông Ngọc Hội với tổng mức đầu tư dự kiến 1.378,9 tỷ đồng; Dự án đường vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội với tổng mức dự kiến 1.180,1 tỷ đồng; Dự án các tuyến đường, các nút giao thông kết nối khu sân bay Nha Trang với tổng mức đầu tư dự kiến 725,3 tỷ đồng. Cả 03 dự án trên đều được hoàn vốn bằng sử dụng quỹ đất thanh toán với tổng diện tích 19,12ha tại Dự án Khu Trung tâm đô thị Thương mại – Dịch vụ - Du lịch Nha Trang (sân bay cũ Nha Trang).

Trước đó, trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Khánh Hoà tại Tờ trình số 4148/TTr-UBND ngày 14/06/2016; Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Văn bản số 4848/BKHĐT-QLĐT ngày 23/6/2016; Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 1175/TTg-KTN ngày 07/7/2016 đồng ý về nguyên tắc cho phép áp dụng hình thức lựa chọn Nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26 luật Đấu thầu năm 2013, theo phương thức đàm phán trực tiếp với nhà đầu tư. Đến ngày, 07/11/2017 và 09/11/2017 các đơn vị được UBND tỉnh Khánh Hoà uỷ quyền đã ký kết hợp đồng BT 03 dự án trên với Công ty Phúc Sơn.

Đến nay, cả 03 dự án BT trên tiến độ thi công đều rất chậm. Nguyên nhân, do công tác đền bù giải phóng mặt bằng; việc thay đổi điều chỉnh quy hoạch; thay đổi thiết kế đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ của dự án. Điều này cho thấy, UBND tỉnh Khánh Hoà không thực hiện đúng cam kết đối với Thủ tướng Chính phủ.

Dự án Khu Trung tâm đô thị Thương mại – Dịch vụ - Du lịch Nha Trang (sân bay cũ Nha Trang) có diện tích 9,12ha do Tập đoàn Phúc Sơn làm chủ đầu tư.

Hàng loạt sai phạm

Qua quá trình thanh tra 03 dự án trên, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều tồn tại, vi phạm, trong đó UBND tỉnh Khánh Hoà đã không thực hiện đầy đủ các cam kết theo nội dung Tờ trình số 4148/TTr-UBND ngày 14/6/2016 của UBND tỉnh để được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật đấu thầu năm 2013 (Văn bản số 1175/TTg-KTN ngày 06/7/2016).

Cụ thể: Không hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng vào khoảng cuối năm 2017. Mặc dù đã gia hạn đến tháng 06/2021 nhưng thực tế đến thời điểm thanh tra mới thi công đạt khoảng 27% khối lượng xây lắp. Không thực hiện đúng tiêu chí công trình cấp bách để được áp dụng hình thức lựa chọn nhà dầu tư trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu năm 2013; Việc phê duyệt đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi, tổng mức đầu tư, ký hợp đồng BT không phù hợp với Tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ, làm tăng tổng mức đầu tư dự án lên 484 tỷ đồng, kéo dài thời gian thực hiện dự án lên thêm 30 tháng, tách 1 dự án nhóm A thành 2 dự án nhóm B.

Ngoài ra, còn có một số sai sót trong áp dụng định mức, đơn giá, biện pháp thi công, đền bù giải phóng mặt bằng và đưa một số hạng mục đầu tư vào dự án chưa đúng quy định làm tăng tổng mức đầu tư 03 dự án BT lên 499,202 tỷ đồng. Bên cạnh đó, phương án hoàn vốn nêu trong hợp đồng BT không phù hợp với đề xuất của UBND tỉnh được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Văn bản số 1175/TTG-KTN ngày 07/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều này cho thấy, để xảy ra những vi phạm trên trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh Khánh Hoà; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính; Ban Quản lý dự án các công trình giao thông và thuỷ lợi Khánh Hoà (nay là Ban Nông nghiệp); Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh; Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn và các nhà thầu Tư vấn thiết kế, thi công, giám sát; Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Khánh Hoà; Văn phòng UBND tỉnh; Lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hoà trong thời kỳ của dự án và các đơn vị, tổ chức cá nhân khác có liên quan.

Xử lý nghiêm minh

Từ những vi phạm của 03 dự án BT do Công ty Phúc Sơn làm nhà đầu tư, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà (giai đoạn 2014-2019) nghiêm túc kiểm điểm và đề xuất hình thức kỷ luật nghiêm minh, đúng pháp luật trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Đồng thời, giao Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà chỉ đạo các Sở, ban, ngành liên quan kiểm điểm, xử lý nghiêm minh các tập thể, cá nhân đã xảy ra các sai phạm được nêu trong Kết luận thanh tra; chấn chỉnh kịp thời công tác quản lý đất đai, quản lý đầu tư xây dựng, nhất là đối với các công trình dự án thực hiện theo hình thức BT, không để xảy ra tình trạng thực hiện khác đối với báo cáo, đề xuất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Song song đó, UBND tỉnh Khánh Hoà phải khẩn trương chỉ đạo chấn chỉnh, xử lý khắc phục những tồn tại, vi phạm. Trong đó, ban hành các quyết định về bổ sung giao đất, cho thuê đất để có cơ sở pháp lý cho việc thanh, quyết toán các dự án BT theo đúng quy định của pháp luật về đất đai và đầu tư; giảm mức đầu tư 499,202 tỷ đồng, đồng thời nghiêm túc kiểm điểm các đơn vị có liên quan trong việc thẩm định 03 dự án này; giảm 5% giá trị xây lắp khi quyết toán công trình dự án BT theo đúng cam kết của Nhà đầu tư đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ (theo giá trị dự toán được duyệt là 97,933 tỷ đồng); điều chỉnh phương án thu hồi vốn trong hợp đồng BT theo đúng với đề xuất của tỉnh là sử dụng quỹ đất tại khu vực sân bay Nha Trang để thanh toán hợp đồng BT đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Văn bản số 1175/TTg-KTN ngày 06/7/2016.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng nhấn mạnh, trong quá trình tổ chức thực hiện các nội dung liên quan đến Kết luận thanh tra nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển hồ sơ sang Công an tỉnh Khánh Hoà để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tập đoàn Phúc Sơn của ‘đại gia’ Nguyễn Văn Hậu

Phúc Sơn tiền thân là Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Phúc Sơn, chính thức được thành lập ngày 6/1/2004 và chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần từ ngày 4/8/2009.

Tính đến ngày 23/10/2018, Phúc Sơn có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là ông Nguyễn Văn Hậu (nắm giữ 99% VĐL), bà Ngô Thị Thanh Nhàn (nắm giữ 0,75% VĐL) và ông Nguyễn Thanh Tùng (nắm giữ 0,25% VĐL).

Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của Tập đoàn Phúc Sơn là ông Nguyễn Văn Hậu.

Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật do ông Nguyễn Văn Hậu (SN 1981) đảm nhiệm. Ông Hậu hiện còn đứng tên tại pháp nhân là Công ty TNHH MTV Khu đô thị Bàu Giang.

Bất ngờ nổi lên, trở thành tập đoàn địa ốc số má bậc nhất Vĩnh Phúc, CTCP Tập đoàn Phúc Sơn (Phúc Sơn) dưới sự chèo lái của doanh nhân 8x Nguyễn Văn Hậu (SN 1981) không giới hạn ở phạm vi của một doanh nghiệp địa phương.

Những dự án đầu tay của Phúc Sơn có thể kể đến như dự án Khu trung tâm thương mại và nhà ở Phúc Sơn (Vĩnh Tường) với quy mô 130 ha; dự án Khu nhà ở cho người có thu nhập thấp 15 tầng (Vĩnh Yên); khu đô thị hai bên đường Phù Đổng (Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) với quy mô 149 ha.

Nuôi mộng trở thành tập đoàn địa ốc hàng đầu Việt Nam, Phúc Sơn mở rộng quỹ đất thông qua nhiều dự án lớn, nhỏ ở nhiều tỉnh thành, mà TP. Nha Trang (Khánh Hòa) có thể xem như cứ điểm chủ chốt.

Tại Nha Trang, Phúc Sơn đã đầu tư các dự án lớn với tổng mức đầu tư tuyên bố lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là dự án Khu Trung tâm đô thị Thương mại - Dịch vụ - Tài chính - Du lịch Nha Trang được xây dựng trên khu đất sân bay Nha Trang cũ.

“Siêu dự án” này được chia thành 1.300 lô đất nhà ở và hàng trăm căn biệt thự đơn lập với tổng vốn đầu tư lên đến 10.000 tỷ đồng. Đây cũng chính là dự án từng khiến cho Phúc Sơn rơi vào thế khó.

Ngoài bất động sản, Phúc Sơn còn tham gia một số dự án lớn dưới cương vị nhà thầu xây dựng. Trong đó, dự án lớn nhất mà tập đoàn này từng thi công là dự án Đường bờ Nam sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) có tổng chiều thi công xây dựng 8.783m, tổng vốn đầu tư hơn 999 tỷ đồng.

Trong 4 năm trở lại đây, Phúc Sơn ghi nhận doanh thu giảm sút, cùng những khoản lợi nhuận không đáng kể.

Cụ thể, năm 2016 và 2017, doanh thu thuần của Phúc Sơn lần lượt đạt 516,4 tỷ đồng và 468,3 tỷ đồng; lợi nhuận thuần lần lượt ở mức 3,7 tỷ đồng và 37,58 tỷ đồng.

Năm 2019, doanh thu thuần của Phúc Sơn chỉ đạt 84,7 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận thuần chỉ ở mức 80 triệu đồng, trong khi năm 2018 lãi thuần 214 triệu đồng.

Mặt khác, quy mô tài sản của Phúc Sơn lại ấn tượng gấp nhiều lần doanh thu mà nó ghi nhận, tuy nhiên, tập đoàn này có xu hướng sử dụng đòn bẩy tài chính cao.

Theo đó, tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Phúc Sơn đạt 7.822 tỷ đồng, gấp 2,8 lần so với thời điểm cuối năm 2016; trong khi vốn chủ sở hữu chỉ tăng nhẹ từ 1.504,6 tỷ đồng lên đạt 2.001,7 tỷ đồng.

Với 5.820 tỷ đồng nợ phải trả - gấp gần 3 lần vốn chủ, Phúc Sơn Group đang phụ thuộc lớn vào đòn bẩy tài chính. Dĩ nhiên khi ấy, tập đoàn đang phải đối diện với áp lực nợ rất lớn, nhất là nợ vay ngân hàng.

Trong bối cảnh nhiều dự án bị đình trệ, đặc biệt bởi các vướng mắc pháp lý (thanh tra), doanh nghiệp của đại gia Nguyễn Văn Hậu đang ở trong tỉnh cảnh khá thách thức.

 

Hai cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa bị bắt

Ông Nguyễn Chiến Thắng và Lê Đức Vinh, đều là cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, bị cáo buộc sai phạm khi giao đất cho doanh nghiệp, gây thất thoát ngân sách.

Chiều 8/6, Công an tỉnh Khánh Hòa tống đạt quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Chiến Thắng (66 tuổi; Chủ tịch tỉnh Khánh Hoà nhiệm kỳ 2011-2016); Lê Đức Vinh (56 tuổi, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa nhiệm kỳ 2015-2020, Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021) và ông Lê Mộng Điệp (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường) cùng về tội Vi phạm quy định về quản lý đất đai theo Điều 229 BLHS.
Ông Nguyễn Chiến Thắng và Lê Đức Vinh, đều là cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, bị bắt tạm giam vào ngày 8/6/2021 và cáo buộc sai phạm khi giao đất cho doanh nghiệp, gây thất thoát ngân sách.


3 bị can bị cáo buộc sai phạm liên quan đến dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung thuộc khu vực núi Chín Khúc, tỉnh Khánh Hoà. Hiện, hành vi sai phạm cụ thể của họ chưa được công bố.

Gần 17h, cảnh sát đến nhà ông Vinh trên đường Thống Nhất, TP Nha Trang, để thực hiện lệnh khám xét. Tương tự, tổ công tác khác của Công an Khánh Hoà cũng có mặt tại nhà ông Thắng trên đường Trịnh Phong và nhà ông Điệp.

Đến 18h10, sau hơn một giờ làm việc, lực lượng chức năng đưa nhiều thùng carton từ nhà ông Vinh lên ôtô. Ông Vinh mặc quần tây, áo sơ mi ngắn tay, đội mũ trắng cũng bị dẫn giải lên xe đưa về cơ quan điều tra.

Việc khám xét tại nhà ông Thắng diễn ra lâu hơn. Đến 18h55, cựu Chủ tịch tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 bị cảnh sát đưa đi.

Động thái này được đưa ra sau hơn một tháng Công an Khánh Hòa khởi tố vụ án giao và cho thuê hơn 20.000 m2 đất tại 28E đường Trần Phú, phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang, cho doanh nghiệp thực hiện dự án để làm rõ các vi phạm của ông Thắng khi còn đương chức Chủ tịch UBND tỉnh và những người liên quan.

Hồi tháng 5, ông Đào Công Thiên (59 tuổi, cựu Phó chủ tịch tỉnh) và ông Võ Tấn Thái (60 tuổi, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường) cũng bị bắt tạm giam về cùng hành vi.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm trong chuyển đổi đất "vàng" tại tỉnh Khánh Hoà trong giai đoạn 2010-2017, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Khánh Hoà kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân.

Tháng 12/2019, các lãnh đạo tỉnh đã ký các văn bản về đất đai, đầu tư xây dựng các dự án bị kết luận "vi phạm rất nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước".

Ông Nguyễn Chiến Thắng bị xóa tư cách Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016; ông Lê Đức Vinh bị cách chức Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2016-2021, xóa tư cách Phó chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016.

Tháng 9/2020, ông Lê Mộng Điệp bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Khánh Hòa kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo. Ông này hồi còn đương chức Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường bị cho là vi phạm Luật Đất đai năm 2003; Luật Đất đai 2013 và Quy định về những điều Đảng viên không được làm.

 

comment Bình luận