Khách 'hỏng mặt' sau khi dùng kem dưỡng sáng da Segno của Ecohalo Việt Nam

Quảng cáo rầm rộ trên mạng với các mỹ từ chẳng khác gì thần dược, thậm chí tự phong là số 1 Hàn Quốc, nhưng sản phẩm kem sáng da của Công ty TNHH TM&DV Ecohalo Việt Nam đang bị khách hàng nghi ngờ gây hỏng da sau khi sử dụng.
11:21 | 17/11/2021

Đoạn tin nhắn giữa khách hàng và nhân viên phản ánh bị mụn sau khi sử dụng mỹ phẩm kem sáng da Segno của Công ty TNHH TM&DV Ecohalo Việt Nam. (Ảnh: NVCC).


Rầm rộ quảng cáo mỹ phẩm như thần dược trên mạng xã hội

Thời gian gần đây, mạng xã hội Facebook ngập tràn các quảng cáo về các bộ mỹ phẩm dưỡng trắng sáng da của Công ty TNHH TM&DV Ecohalo Việt Nam. Điển hình như 2 dòng sản phẩm kem sáng da mang nhãn hiệu O’MUSE VÀ SEGNO quảng cáo có tác dụng dưỡng trắng sáng da, đặc trị mụn dành cho phái nam và cả phái nữ.

Hầu hết qua những quảng cáo này, các loại mỹ phẩm nói trên được tâng bốc như một loại thần dược, mỹ phẩm nhập từ nước ngoài có tác dụng làm đẹp, sáng da, thậm chí còn sử dụng ngôn từ “trị, đặc trị” với mụn thâm, tàn nhang…  Như kem sáng da SEGNO thì được xưng tụng là số 1 Hàn Quốc dùng được cho mọi loại da; Kem sáng da O’MUSE thì quảng cáo dùng 1 phút mỗi ngày bằng 10 năm dưỡng da…

Đi kèm những quảng cáo này là thông tin bán sản phẩm theo liệu trình tương tự như các mặt hàng thực phẩm chức năng “3 đời gia truyền” đang làm mưa làm gió trên thị trường và bị lên án.

Một trong những Fanpage tích cực quảng cáo cho mỹ phẩm của Ecohalo Việt Nam phải kể đến là trang Neu Confessions của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân với 2,9 triệu người theo dõi, chủ yếu là sinh viên.

Mỹ phẩm của Ecohalo Việt Nam tự xưng là sản phẩm số 1 Hàn Quốc, bán theo liệu trình như TPCN trong các quảng cáo trên mạng xã hội.

Các quảng cáo về O’MUSE VÀ SEGNO sử dụng ngôn ngữ thể hiện rất dễ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, phóng đại công dụng mỹ phẩm này.

Khách hỏng mặt sau khi tin lời quảng cáo kem dưỡng sáng da Sengo của Ecohalo Việt Nam

Mới đây, PV nhận được phản ánh từ anh N. (ở Hà Nội) cho biết: Do tin những quảng cáo trên mạng, khoảng tháng 6/2021 anh có đặt mua sản phẩm kem dưỡng sáng da SEGNO của Ecohalo Việt Nam về để sử dụng.

Tuy nhiên, sau khi dùng da mặt của anh không những không được trắng, sáng mà còn có dấu hiệu mọc mụn. Sau hơn 1 tháng sử dụng sản phẩm thì tình trạng ngày càng nghiêm trọng.

Qua thăm khám anh được bác sĩ kết luận là bị viêm da, nguyên nhân từ việc dùng mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng.

Lọ sản phẩm kem sáng da Segno mà khách hàng mua của Công ty TNHH TM&DV Ecohalo Việt Nam. (Ảnh: PV).

Trước khi dùng kem dưỡng SENGO, tôi không sử dụng bất cứ loại mỹ phẩm nào ngoài sữa rửa mặt đã và đang sử dụng, mặt cũng không hề bị mụn. Thế nên khi bị tình trạng da mặt nổi mụn tôi nghĩ rằng nguyên nhân do tôi dùng  kem dưỡng SENGO, sau khi đi khám bác sĩ nói như trên tôi càng tá hỏa”, nam khách hàng trình bày.

Theo khách hàng, sau khi đi thăm khám bác sĩ anh đã liên hệ đề nghị phía Công ty TNHH TM&DV Ecohalo Việt Nam để yêu cầu làm rõ về chất lượng sản phẩm vì nghi ngờ rằng sản phẩm anh dùng có vấn đề về chất lượng.

Tuy nhiên, sau khi liên hệ  phía công ty đã thừa nhận bán sản phẩm cho anh nhưng không cung cấp được giấy tờ nhập khẩu, quảng cáo của sản phẩm...

Cần tỉnh táo trong sử dụng mỹ phẩm, mạnh tay xử quảng cáo tâng bốc

Các chuyên gia y tế, bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, kể từ khi mạng xã hội Facebook, Youtube phát triển chưa bao giờ việc quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm chức năng hỗ loạn như bây giờ.

“Lên mạng lúc nào cũng thấy nhà thôi 3 đời làm thuốc, mỹ phẩm này sáng da, tốt lắm… Họ quảng cáo trên danh nghĩa người tiêu dùng nên rất khó xử lý, họ cài cắm những ngôn từ thần thánh hóa sản phẩm, dù chỉ là thực phẩm, mỹ phẩm nhưng không ngần ngại nói rằng có tác dụng trị, điều trị như thuốc.... Tuy nhiên, rất dễ nhận thấy hầu hết các chia sẻ này đều để lại số bán hàng, đường link dẫn bán hàng”, chị Lý một người tiêu dùng chia sẻ.

Trang Fanpage của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tiếp tay cho quảng cáo mỹ phẩm nổ tung công dụng. (Ảnh chụp màn hình).

Theo các chuyên gia y tế, hiện nay thị trường ngập tràn các mỹ phẩm kém chất lượng, không đảm bảo nguồn gốc, thậm chí có nhiều clip cho thấy mỹ phẩm được đặt trong thau khuấy cho vào hộp bán… không đảm bảo an toàn, sử dụng các sản phẩm này rất dễ mang họa vào thân.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Tùng cho rằng: Việc quảng cáo TPCN, mỹ phẩm nổ tung công dụng khiến nhiều người tiền mất tật mang không còn là chuyện hiếm.

Việc một sản phẩm quảng cáo tự nhận là số 1, số 2... cũng là hành vi vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo. Vì vậy, cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc xử lý dứt điểm tình trạng này.

Diễn viên Bình An cùng loạt người nổi tiếng quảng cáo mỹ phẩm O’MUSE có dấu hiệu phóng đại công dụng.

Vừa qua trả lời chất vấn tại Quốc hội, Đại tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an đã cho biết, tình trạng buôn lậu, buôn bán trái phép thực phẩm, vật tư y tế, vật tư dùng xét thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc cũng diễn biến phức tạp trong cả nước.

Các đối tượng cũng đều sử dụng nhiều hình thức tinh vi để nhập lậu như dùng mạng xã hội để làm nơi buôn bán, tìm những địa điểm đang xây dựng, địa hình khó đi lại để làm cất giấu hàng hóa.

Bộ Công an đã chỉ đạo công an các đơn vị địa phương tập trung lực lượng phương tiện để triển khai các biện pháp để đấu tranh phòng ngừa xử lý vi phạm về nhập lậu, buôn bán công khai trang thiết bị y tế, thuốc điều trị, thậm chí có cả vaccine.

Chúng tôi đang tiếp tục liên hệ các cơ quan chức năng,  Bộ Y tế để làm rõ nguồn gốc mỹ phẩm cũng như quảng cáo có dấu hiệu vi phạm của Công ty TNHH TM&DV Ecohalo Việt Nam.

comment Bình luận