Viện Pasteur TP.HCM thông tin về trường hợp mắc cúm A (H9) ở Tiền Giang

Liên quan đến trường hợp mắc cúm A(H9) ở Tiền Giang, chiều 6/4, lãnh đạo Viện Pasteur TP.HCM đã có thông tin chi tiết về quá trình điều tra, giám sát dịch bệnh.
19:14 | 06/04/2024

TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết, ngay khi nhận được báo cáo từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (BVBNĐ) và Sở Y tế TP.HCM về ca dương tính với cúm A(H9) đầu tiên, Viện đã phối hợp chặt chẽ với nơi điều trị và ngành y tế tỉnh Tiền Giang (nơi bệnh nhân sinh sống), thú y vùng… để điều tra dịch tễ.

Viện Pasteur TP.HCM thông tin về trường hợp mắc cúm A (H9) ở Tiền Giang (Ảnh minh hoạ)

Viện Pasteur TP.HCM thông tin về trường hợp mắc cúm A (H9) ở Tiền Giang (Ảnh minh hoạ)

Theo đó, bệnh nhân nam (37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Ngày 10/3, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt và tự mua thuốc điều trị nhưng không thường xuyên.

Ngày 16/3, bệnh nhân đến khám và điều trị tại BVBNĐ, và được chẩn đoán viêm phổi nặng nghi do vi rút. Kết quả xét nghiệm bước đầu tại BVBNĐ phát hiện dương tính cúm A và có các đoạn gen tương đồng vi rút cúm A phân tuýp H9.

Sau đó, mẫu bệnh phẩm được gửi tới Viện Pasteur TP.HCM để xét nghiệm khẳng định. Ngày 1/4, Viện Pasteur TP.HCM phát hiện mẫu bệnh phẩm dương tính với cúm A phân tuýp H9. Hiện, bệnh nhân hiện đang được điều trị tích cực tại BVBNĐ.

BS Thượng cho biết trường hợp của bệnh nhân nam ở Tiền Giang là một trong những ca cúm A(H9N2) được ghi nhận trên thế giới. Bệnh phát hiện lần đầu trên người tại Trung Quốc vào năm 1998, đến nay đã có 135 ca ở toàn cầu.

Theo BS Thượng, nguồn gây bệnh cúm A(H9N2) chủ yếu vẫn từ gia cầm lây sang người, chưa có bằng chứng về việc lây từ người sang người. Bệnh có các triệu chứng như các loại cúm khác như: sốt, ho…

“Trong số các ca đã ghi nhận được, biểu hiện của bệnh hầu hết là nhẹ, vừa. Tuy nhiên đã có 2 trường hợp tử vong vì cúm A(H9N2) và đều có bệnh nền, suy giảm miễn dịch. Trường hợp đang điều trị ở TP.HCM cũng có bệnh nền nặng”, BS Thượng cho hay.

TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM thông tin về trường hợp mắc cúm A (H9) ở Tiền Giang (Ảnh: Diệu Hiền)

TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM thông tin về trường hợp mắc cúm A (H9) ở Tiền Giang (Ảnh: Diệu Hiền)

“Viện Pasteur TP.HCM đã có những kế hoạch trong giám sát, điều tra… đánh giá nguy cơ với ca bệnh vừa phát hiện, tại nơi bệnh nhân đang sinh sống. Qua điều tra, các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân trong vài tuần nay đều khỏe mạnh”, BS Thượng cho biết thêm.

BS Thượng khuyến cáo người dân cần cẩn trọng trước dịch cúm gia cầm, đặc biệt đối với những người nguy cơ cao (như người thường xuyên tiếp xúc với gia cầm, chăn nuôi, giết mổ), khi thực hiện các thao tác công việc cần có đồ bảo hộ, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay, tránh bị dịch tiết của gia cầm bắn vào đường mũi, miệng, niêm mạc…

Khi có biểu hiện bệnh, triệu chứng đường hô hấp, sốt, ho.. ở đối tượng nguy cơ cao, cần thông báo cho cơ quan y tế để được kiểm tra, điều trị kịp thời và phòng chống lây lan, nếu không may mắc cúm gia cầm.

Người dân cần đảm bảo ăn uống sạch, dùng thực phẩm đã nấu chín, rửa tay thường xuyên. Ngoài ra không nên vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật, gia cầm không rõ nguồn gốc, hay động vật hoang dã. Khi gia cầm có biểu hiện ốm nặng, chết, người dân không thực hiện hành vi giết mổ, buôn bán và phải báo ngay cho chính quyền địa phương.

Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã có những chỉ đạo khẩn đối với Sở Y tế tỉnh Tiền Giang và Viện Pasteur TP.HCM

Đối với Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, Cục Y tế Dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương tổ chức điều tra nguồn lây và xử lý triệt để ổ dịch; Tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp mắc mới, sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế và chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Ngành Y tế Tiền Giang có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương trong việc giám sát phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên gia cầm, kịp thời chia sẻ thông tin và phối hợp xử lý triệt để ổ dịch.

Đồng thời, sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch; Tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người, đặc biệt tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những khu vực có nguy cơ cao.

Đối với Viện Pasteur TP.HCM, Cục Y tế Dự phòng đề nghị quan tâm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục điều tra, giám sát và theo dõi các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh, phát hiện kịp thời các trường hợp mắc mới; tiếp tục thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu để xác định phân nhóm vi rút; hướng dẫn và hỗ trợ địa phương xét nghiệm khẳng định các mẫu bệnh phẩm từ các ca nghi nhiễm trên người và xử lý ổ dịch theo quy định.

Cao Ánh 

comment Bình luận