Viên nén Tetracyclin TW3 của Dược phẩm TW 3 bị làm giả, bán tràn lan trên thị trường

Sở Y tế TP.HCM vừa có thông báo đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở kinh doanh thuốc thu hồi thuốc, không được buôn bán, sử dụng thuốc đóng gói dạng lọ trên nhãn ghi viên nén Tetracyclin TW3 (Tetracyclin 250mg), SĐK: VD-28109-17, nhà sản xuất Công ty cổ phần dược phẩm Trung ương 3.
9:19 | 28/07/2020



Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở kinh doanh thuốc thu hồi thuốc, không được buôn bán, sử dụng thuốc đóng gói dạng lọ trên nhãn ghi viên nén Tetracyclin TW3 (Tetracyclin 250mg).

Trước đó, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) có Công văn số 11152/QLD-CL ngày 21/7/2020 về việc đình chỉ lưu hành thuốc viên nén Tetracyclin TW3.

Theo đó phát hiện các lô 0320, 3919 không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Đối chiếu hồ sơ lô sản xuất và mẫu lưu lô thuốc do Công ty cổ phần dược phẩm Trung ương 3 cung cấp, các lô 0320, 3919 nêu trên là giả.

Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đang kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh và sử dụng thuốc nêu trên, xử lý các cơ sở vi phạm theo quy định.

Trước đó, tháng 4/2020, theo thông tin từ Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế, khi đối chiếu mẫu nhãn, mẫu bao bì, hồ sơ lô sản xuất và mẫu lưu lô thuốc do Công ty Cổ phần dược phẩm Trung ương 3 cung cấp với mẫu thuốc do Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh Vĩnh Phúc lấy mẫu trên nhãn ghi viên nén Tetracyclin TW3 (Tetracyclin 250mg), nhà sản xuất Công ty Cổ phần dược phẩm Trung ương 3, SĐK: VD-28109-17, số lô: 1819 NSX: 120519, HD: 120521 là thuốc giả, không phải thuốc do Công ty Cổ phần dược phẩm Trung ương 3 sản xuất.

Sở Y tế Hải Phòng cũng yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh, các cơ sở kinh doanh dược dừng ngay việc phân phối, kinh doanh, sử dụng lô thuốc đóng gói dạng lọ trên nhãn ghi: Viên nén Tetracyclin TW3 (Tetracyclin 250mg), nhà sản xuất Công ty CP dược phẩm Trung ương 3, SĐK: VD-28109-17, Lô SX: 1819, NSX: 120519, HD: 120521.

Sở Y tế Hải Phòng giao Thanh tra Sở Y tế phối hợp Phòng Nghiệp vụ Dược, Trung tâm kiểm nghiệm Thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm, Phòng Y tế quận, huyện tiếp nhận, xác minh thông tin, khẩn trương tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh thuốc đối với các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc và truy tìm nguồn gốc về mẫu thuốc viên nén Tetracyclin TW3 giả nêu trên. Rà soát khẩn trương báo cáo trường hợp phát hiện các lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định hiện hành.

Tetracyclin là kháng sinh có phổ tác dụng rất rộng, tác dụng nhiều vi khuẩn gram âm và dương, cả ưa khí và kị khí, xoắn khuẩn và vi khuẩn nội bào Clamydia, rickettsia, Mycoplasma.Thuốc cũng có tác dụng lên cả các virus mắt hột, sinh vật đơn bào và ký sinh trùng sốt rét. Tuy nhiên hiện nay ít dùng nhất là các bệnh do vi khuẩn gram dương vì tỉ lệ kháng thuốc rất cao. Cơ chế tác dụng: tetracyclin có tác dụng kìm khuẩn là do ức chế sự tổng hợp protein của tế bào vi khuẩn bằng cách gắn vào phần 30S của ribosom nên ức chế gắn aminoacyl-ARNt mới vào vị trí tiếp nhận.

Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương 3 tiền thân là Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 3 (địa chỉ tại số 16 Lê Đại Hành, quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng) trực thuộc Bộ Y tế, được thành lập từ năm 1962. Tháng 09/2006, Công ty chính thức đổi thành Công ty cổ phần Dược phẩm Trung Ương 3. Ngành nghề kinh doanh: sản xuất kinh doanh dược phẩm, hóa chất, mỹ phẩm...; kinh doanh nuôi trồng, chế biến dược liệu; bán buôn thực phẩm, đồ dùng cho gia đình, máy móc thiết bị y tế.

Dược phẩm TW3 hiện do ông Nguyễn Đình Khái làm Tổng Giám đốc và ông Bùi Xuân Hưởng làm Chủ tịch HĐQT.

Theo báo cáo tài chính quý II/2020 (30/6/2020), Dược phẩm TW3 hiện có tổng tài sản là 438 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả là 147 tỷ đồng (tất cả đều là nợ ngắn hạn). Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 2 của Dược phẩm TW3 ghi nhận con số 93 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt con số 35 tỷ đồng. Tuy nhiên, Dược phẩm TW3 cũng đang phải trả lãi vay quý 2 là 264 triệu đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lên gần 12 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ năm 2019 chỉ có 7 tỷ đồng.

 

 

Khởi tố giám đốc công ty dược sản xuất thuốc và thực phẩm chức năng giả

Tháng 2/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TPHCM vừa chuyển kết luận điều tra vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh và thực phẩm chức năng đến VKSND TPHCM đề nghị truy tố 9 bị can về các tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm.

Theo đó, Cơ quan điều tra đề nghị truy tố Nguyễn Đình Lạc Thư (sinh năm 1975, ngụ quận 11) và Nguyễn Đình Thái Dương (sinh năm 1978, ngụ huyện Bình Chánh, em ruột của Thư) cùng về tội buôn bán hàng giả là thực phẩm và tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh. Nguyễn Đình Kính Như (sinh năm 1983, em ruột của Thư) bị đề nghị truy tố về tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.

Các bị can Trần Thị Châu Thanh (sinh năm 1982, ngụ quận Bình Tân), Thạch Đết (sinh năm 1992, ngụ huyện Bình Chánh) bị đề nghị truy tố về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.

Cùng với đó, Lê Văn Khối (sinh năm 1960, Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Đông Dược Việt) bị đề nghị truy tố về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm.

Các bị can Nguyễn Thành Xuân (sinh năm 1976, ngụ quận 8), Nguyễn Đình Bảo (sinh năm 1986, ngụ quận 8), Dương Văn Toản (sinh năm 1985, ngụ quận 10) bị đề nghị truy tố về một trong các tội: sản xuất hàng giả là thực phẩm, buôn bán hàng giả là thực phẩm, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.

Cơ quan điều tra nhận định các bị can đã sản xuất và buôn bán hàng giả là thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Cụ thể, theo hồ sơ vụ án, trưa 25/7/2019, tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TPHCM trinh sát và phát hiện tại nơi kinh doanh của Thư trên đường Hòa Bình, quận 11, Dương nhận 20 thùng hàng từ ô tô. Bên trong các thùng hàng này chứa các thực phẩm chức năng giả nhãn hiệu Bảo Xuân Gold. Đồng thời, công an phát hiện trong nhà, Thanh và Đết đang thực hiện hành vi sản xuất thuốc BAR giả. Bước đầu, các đối tượng Dương, Thanh và Đết khai nhận mình làm thuê sản xuất buôn bán thực phẩm chức năng giả các loại cho Thư.

Cùng ngày, tại công ty Đông Dược Việt (huyện Bình Chánh), tổ công tác Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TPHCM phát hiện ở khu vực nhà xưởng Lê Văn Khối, Nguyễn Thành Xuân cùng 4 công nhân đang thực hiện sản xuất thuốc thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả nhãn hiệu Bảo Xuân... Tại đây, tổ công tác phát hiện nhiều sản phẩm đã thành phẩm gồm: 10 thùng carton, mỗi thùng chứa 200 hộp thực phẩm chức năng giả nhãn hiệu Bảo Xuân, một số lượng thuốc thành phẩm nhãn hiệu Omega 3-6-9, Cardi Plus, thuốc nhãn hiệu Double Lovely 35+

Mở rộng điều tra và khám xét khẩn cấp tại các điểm có liên quan, công an còn thu giữ được nhiều tang vật khác.

Quá trình mở niêm phong, kiểm tra tang vật, đại diện các hãng dược gồm Công ty CP Dược phẩm Trung ương Vidipha (chủ sở hữu nhãn hiệu Cốm Xitrina), Công ty Thương mại dược phẩm quốc tế Á Châu (chủ sở hữu sản phẩm viên giải rượu – ME21), Công ty Dược phẩm dược liệu Pharmedic (chủ sở hữu sản phẩm thuốc nhãn hiệu BAR), Công ty dược phẩm Ích Nhân (chủ sở hữu sản phẩm nhãn hiệu Bảo Xuân), Công ty Dược liệu Trung ương 3 (chủ sở hữu sản phẩm Sâm nhung bổ thận Trung ương 3) xác định số tang vật thu giữ là thuốc tân dược, thực phẩm chức năng thành phẩm là hàng giả, không phải hàng của các công ty này sản xuất.

Kết quả điều tra vụ án xác định Nguyễn Đình Lạc Thư bắt đầu tổ chức sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả và buôn bán thực phẩm chức năng giả các loại từ khoảng tháng 2/2018. Cụ thể, Thư mua hàng thực phẩm chức năng giả nhãn hiệu Bảo Xuân, ME21, Sâm nhung bổ thận TW3 do Lê Văn Khối sản xuất. Đồng thời, Thư còn tự tổ chức sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả nhãn hiệu BAR, cốm Xitrina tại địa chỉ trên đường Hòa Bình (quận 11). Số thực phẩm chức năng và thuốc tân dược giả này được Thư tiêu thụ bằng cách bán cho Nguyễn Đình Bảo.

Trong quá trình sản xuất, mua bán hàng giả, Thư thuê Dương quản lý điều hành việc sản xuất, buôn bán hàng giả, Thạch Đết và Trần Thị Châu Thanh sản xuất thuốc BAR và cốm Xitrina giả, Như vận chuyển thuốc giả nhãn hiệu BAR và cốm Xitrina sản xuất được đi tiêu thụ.

Về quy trình sản xuất thuốc BAR giả, các bị can Dương, Thanh, Đết dùng nguyên liệu là các viên thuốc hiệu BAA của Công ty Asiapharmacy và cho vào các chai nhựa, sau đó ép seal, đóng nắp, dán nhãn thành một hộp thuốc BAR thành phẩm. Tương tự, các bị can cũng dùng nguyên liệu là các hạt cốm do Công ty Asiapharmacy sản xuất cho vào các chai nhựa, sau đó ép seal miệng chai, đóng nắp, dán nhãn thành lọ thuốc cốm Xitrina giả.

Lê Văn Khối cũng bắt đầu tham gia sản xuất, buôn bán hàng giả từ khoảng tháng 10/2018 với các sản phẩm làm giả là thực phẩm chức năng giả nhãn hiệu Bảo Xuân Gold và Bảo Xuân tuổi 50+ của Công ty Nam Dược, thực phẩm chức năng giả loại viên giải rượu ME21, Sâm nhung bổ thận TW3, Maxx Hair.

Tại cơ quan điều tra, các bị can đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Mặc dù nhận thức rõ được việc tổ chức buôn bán thực phẩm chức năng giả và sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả là vi phạm pháp luật, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên các bị can đã cố ý thực hiện để thu lợi cho cá nhân.

 

comment Bình luận