Vắc xin phòng sốt xuất huyết được Bộ Y tế cấp phép có hiệu quả như thế nào?

Tại Việt Nam, tính đến ngày 25/4/2024, số mắc trong 4 tháng đầu năm là khoảng hơn 16.800 trường hợp, 1 trường hợp tử vong. Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết xét nghiệm trên người bệnh cho thấy có sự hiện diện của cả 4 type huyết thanh gây sốt xuất huyết (SXH) dengue, trong đó DEN-2 chiếm phần đa số với 88% tổng số ca nhiễm năm 2023 và 70% tổng số ca nhiễm năm 2024.
15:12 | 04/06/2024

Hiệu quả của vắc xin phòng sốt xuất huyết      

Vắc xin phòng SXH do hãng Takeda - Nhật Bản sản xuất (vắc xin Qdenga) là một trong số 40 vắc xin, sinh phẩm đã được Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế gia hạn, cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

Vắc xin SXH được sử dụng cho người từ 4 tuổi trở lên, bất kể đã hoặc chưa từng mắc bệnh. Đây là vắc xin SXH đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam cho cá nhân mà không cần xét nghiệm trước khi tiêm. 

Theo thông tin của Tổ chức Y tế Thế giới, phác đồ tiêm 2 liều vắc xin Qdenga cách nhau 3 tháng có hiệu quả 80% (thời điểm 1 năm sau tiêm), giảm dần còn 61% (sau 57 tháng sau tiêm) trong việc phòng ngừa SXH có triệu chứng do bất kỳ type huyết thanh nào. Hiệu quả của vắc xin trong phòng ngừa SXH nhập viện cao hơn: 90% (18 tháng sau tiêm) và vẫn duy trì ở mức cao sau 57 tháng sau tiêm là 84%.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sử dụng vắc xin phòng sốt xuất huyết trên thế giới

Vắc xin Qdenga hiện được cấp phép ở nhiều quốc gia gồm Indonesia (2022), Anh MHRA (2023), Brazil (2023), Argentina (2023), Thái Lan (2023), Đan Mạch (2023), Đức (2023), Bồ Đào Nha (2023), Columbia (2023), Malaysia (2024)… 

Trong đó, Brazil là quốc gia đầu tiên triển khai chiến dịch tiêm vắc xin này trong hệ thống tiêm chủng quốc gia vào tháng 2/2024 và đã tiêm ở 521 thành phố tính đến tháng 3/2024, chiếm khoảng 10% số đô thị của Brazil. Giai đoạn đầu tiên của chiến dịch tập trung ở nhóm trẻ 10 và 11 tuổi, là nhóm tuổi có nguy cơ nhập viện do SXH cao nhất. Chiến dịch tiêm chủng giới hạn ở mức “sẽ chỉ bảo vệ một số ít người đã được tiêm chủng” và hiện tại chưa có nhiều dữ liệu hiệu quả của chiến dịch này.

Không chủ quan với bệnh sốt xuất huyết khi đã có vắc xin

Vắc xin Qdenga ngừa SXH là công cụ hiệu quả hỗ trợ cho công tác phòng chống SXH. Vắc xin này sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh SXH và nhất là giảm nguy cơ bị nặng, tức là nếu bị mắc bệnh sau tiêm vắc xin thì tình trạng bệnh sẽ nhẹ. Trong điều kiện lý tưởng, trong năm đầu tiên sau tiêm hiệu quả vắc xin là 80%. Nguy cơ mắc bệnh SXH vẫn còn là rất cao do mầm bệnh và muỗi vằn luôn có sẵn trong cộng đồng. Hơn nữa, SXH có thể gặp ở mọi nhóm tuổi, trong khi vắc xin hiện tại có chỉ định tiêm chỉ cho người từ 4 tuổi trở lên. 

Do vậy, để tối ưu hóa hiệu quả của vắc xin và bảo vệ cho nhóm chưa đến tuổi chỉ định tiêm vắc xin, cần giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc hiện hữu bằng cách duy trì và triển khai thường xuyên các biện pháp truyền thống, giải pháp tổng hợp và đang có hiệu quả - là kiểm soát véc tơ, diệt lăng quăng và muỗi.

Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo các quốc gia dù có áp dụng giải pháp vắc xin, vẫn phải bám sát chiến lược tích hợp với kiểm soát véc tơ nhằm đạt được hiệu quả kiểm soát dịch tối ưu.

Theo dự kiến, vắc xin phòng SXH vừa được phê duyệt sẽ có mặt tại Việt Nam bắt đầu từ tháng 9/2024 để đáp ứng cho nhu cầu phòng, chống dịch.

Thanh Nga

comment Bình luận