Ung thư cổ tử cung và tầm soát bệnh
UTCTC là căn bệnh diễn biến thầm lặng, giai đoạn đầu người bệnh thường không có triệu chứng gì, có thể kéo dài từ 10 - 20 năm với sự xuất hiện tế bào bất thường tại biểu mô lát hoặc biểu mô tuyến một cách mất kiểm soát tại cổ tử cung. Nguyên nhân chủ yếu của sự xuất hiện các tế bào bất thường này là do nhiễm Human papillomavirus (HPV) trong thời gian dài. Bên cạnh đó, một số nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm: Quan hệ tình dục sớm, có nhiều bạn tình; mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (chlamydia, lậu, giang mai…); hút thuốc lá; tuổi tác; người bị suy giảm miễn dịch…
Theo tổ chức Y tế thế giới WHO, năm 2023 tại Việt Nam ghi nhận khoảng 4.132 trường hợp mắc mới, 2.223 trường hợp tử vong do ung thư cổ tử cung. Những con số trên cho thấy mức độ quan tâm đến UTCTC vẫn chưa thật sự đúng và đầy đủ. Rào cản văn hóa, thiếu hiểu biết về bệnh là nguyên nhân chính dẫn đến phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.
Theo BS.CKI Bùi Văn Duy Phúc - Phó trưởng khoa Phụ sản, bệnh viện Đại học Buôn Ma Thuột: “Mặc dù đã có những nỗ lực nhất định như triển khai tầm soát UTCTC tại các trung tâm y tế và trạm y tế xã, phường ở tỉnh Đắk Lắk, song vẫn còn nhiều rào cản làm tỉ lệ phụ nữ tiếp cận các dịch vụ này chưa cao như thiếu hiểu biết và nhận thức về bệnh, khó khăn về kinh tế, địa lý. Từ góc nhìn của một bác sĩ sản khoa, theo tôi, để cải thiện hiệu quả của chương trình tầm soát ung thư cổ tử cung cần có sự kết nối, hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ sở y tế, tạo nên một mạng lưới hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật, thuận lợi trong công tác chuyển tuyến và cập nhật tình hình bệnh nhân, sẽ mang lại lợi ích lớn cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế. Từ đó, có thể nâng cao tỉ lệ phát hiện sớm và cải thiện kết quả điều trị cho phụ nữ, góp phần giảm tỷ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung”.
Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai rộng rãi tầm soát UTCTC bằng phương pháp test nhanh với dung dịch acid acetic 3% (VIA) và lugol 3% (VILI) từ các trung tâm y tế đến các trạm y tế xã, phường với chi phí thấp, giúp chị em phụ nữ dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ. Ngoài ra, xét nghiệm tế bào cổ tử cung theo phương pháp Papanicolou (PAP), xét nghiệm DNA HPV là những phương pháp tầm soát có tính đặc hiệu cao được khuyến cáo sử dụng, đặc biệt cho phụ nữ từ 25 - 65 tuổi.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk năm 2023, tại các cơ sở y tế công lập và bệnh viện tư nhân có 7.447 lượt khách hàng được sàng lọc UTCTC bằng phương pháp VIA (tăng 37,5% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 637 kết quả dương tính; 10.836 số lượt khách hàng xét nghiệm tế bào học (tăng 39,6% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 331 kết quả bất thường; 7.777 lượt khách hàng xét nghiệm HPV (tăng 27,9% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 808 kết quả dương tính.
Qua đó cho thấy đã có những tác động tích cực trong công tác truyên truyền, tư vấn, hướng dẫn phụ nữ trong tầm soát UTCTC. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp tầm soát thường gặp ở phụ nữ thành thị hoặc những phụ nữ có xuất hiện triệu chứng ở giai đoạn muộn.
Gánh nặng bệnh tật do ung thư cổ tử cung là mối đe dọa lớn cho người phụ nữ nói riêng, gia đình có người bệnh nói chung. Do vậy, sàng lọc ung thư cổ tử cung là một trong những biện pháp đơn giản và hữu hiệu giúp phát hiện sớm những yếu tố nguy cơ, có biện pháp can thiệp điều trị ngay từ giai đoạn sớm, tỷ lệ điều trị thành công cao, tiết kiệm chi phí, giúp giữ thiên chức làm mẹ và chất lượng cuộc sống cho phụ nữ. Do đó, chị em phụ nữ nên đi khám phụ khoa và làm các xét nghiệm sàng lọc định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.
Nguyệt Nga
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Lâm Đồng: Tập huấn nâng cao năng lực hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em năm 2024
Từ ngày 29/10 - 30/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em năm 2024.October 31 at 5:06 pm -
Bình Phước: Tác động của già hóa dân số và chiến lược chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Như nhiều địa phương khác ở Việt Nam, tỉnh Bình Phước đang đối mặt với thực trạng già hóa dân số ngày càng nhanh mang đến những thách thức lớn cho nền kinh tế, xã hội và đặc biệt là lĩnh vực y tế.October 31 at 1:37 pm -
Đắk Lắk: Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khoẻ trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Sáng 29/10, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Sở Y tế tổ chức hội nghị chuyên đề đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 thuộc dự án 8.October 30 at 3:47 pm -
Bà Rịa – Vũng Tàu: Tập huấn truyền thông chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên
Vừa qua , tại Trung tâm Y tế huyện Đất Đỏ, khoa sức khoẻ sinh sản - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức tập huấn “Phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em - Truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức, thái độ, hành vi về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên” cho hơn 40 cộng tác viên, thuộc địa bàn huyện.October 29 at 4:00 pm