Triển khai phát triển nền y học cổ truyền Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong giai đoạn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành kế hoạch số 238/KH-UBND triển khai thực hiện Kết luận số 86-KL/TW ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư về phát triển nền y học cổ truyền Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong giai đoạn mới trên địa bàn tỉnh.
10:45 | 24/12/2024

Tập trung thực hiện các nội dung trọng tâm, nâng cao vai trò, trách nhiệm về công tác phát triển nền y học cổ truyền Việt Nam và Hội Đông y trong giai đoạn mới. Xác định y học cổ truyền Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong hệ thống y tế, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân. Phát triển nền y học cổ truyền là góp phần bảo tồn bản sắc, phát triển kho tàng y dược dân tộc.

Tuyên truyền các giá trị của nền y học cổ truyền Việt Nam; tham gia thực hiện tốt phong trào người Việt dùng thuốc Việt; tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các mô hình hay, sáng kiến hiệu quả, cách làm tốt trong công tác phát triển y học cổ truyền Việt Nam; đồng thời, quán triệt quan điểm phát triển y học cổ truyền phải gắn liền với phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Xây dựng, hoàn thiện quy định về phát triển nền y học cổ truyền Việt Nam và Hội Đông y. Tiếp tục thể chế hóa, thực hiện hiệu quả Kết luận số 86-KL/TW; Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 4/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới” và các quy định về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Chỉ đạo, cụ thể hoá các quy định về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ Nhân dân, chú trọng phát triển nền y học cổ truyền và Hội Đông y các cấp phù hợp với thực tiễn của địa phương, đơn vị. Nghiên cứu, rà soát, đề xuất hoàn thiện hệ thống các quy định liên quan đến lĩnh vực y học cổ truyền nhằm tạo hành lang pháp lý và điều kiện để phát triển nền y học cổ truyền Việt Nam và Hội Đông y; đồng thời, nghiên cứu xây dựng, ban hành Chiến lược phát triển nền Y học cổ truyền đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nghiên cứu, đề xuất, triển khai các văn bản của Trung ương về xây dựng chính sách liên quan đến xúc tiến thương mại để xuất khẩu các sản phẩm y học cổ truyền, các phương pháp chữa bệnh, dịch vụ, sản phẩm y học cổ truyền ra thị trường quốc tế phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe và du lịch. Về xây dựng chính sách đặc thù trong phát triển dược liệu, nhất là các dược liệu đặc hữu, dược liệu có giá trị kinh tế cao, gắn với phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; xây dựng chính sách cụ thể trong đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tôn vinh và bảo đảm quyền lợi của các danh y; bảo vệ bí mật nhà nước trong bào chế, chế biến thuốc y học cổ truyền.

Trách nhiệm tổ chức thực hiện là tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống quản lý các cấp, nâng cao năng lực, hiệu lực trong công tác quản lý nhà nước lĩnh vực y học cổ truyền. Đẩy mạnh phát triển hệ thống khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền; kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở và khoa y học cổ truyền trong bệnh viện hiện đại.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát triển hệ thống khám, chữa bệnh y học cổ truyền, nhất là tuyến y tế cơ sở. Xây dựng các phác đồ điều trị và dự phòng trên cơ sở kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại và các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc. Đẩy mạnh việc triển khai các phương pháp điều trị các bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở bằng y học cổ truyền.

Nghiên cứu phát triển vùng nuôi trồng dược liệu theo quy mô công nghiệp; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc và đảm bảo an ninh, an toàn dược liệu. Đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ trong nuôi trồng dược liệu, sản xuất và tiêu dùng thuốc cổ truyền.

Khuyến khích phát triển nuôi trồng cây thuốc, vườn thuốc tại nhà; tăng cường sử dụng các dược liệu sẵn có tại địa phương; tổ chức bảo tồn nguồn gen, dược liệu quý tại các địa phương. Đẩy mạnh bảo tồn cây thuốc, vị thuốc bản địa quý hiếm. Xây dựng quy hoạch, phát triển vùng nuôi, trồng dược liệu quý, dược liệu có giá trị kinh tế cao gắn với phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực y học cổ truyền, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành; tiếp tục tổ chức rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tham gia hoạt động trong lĩnh vực y học cổ truyền. Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về dược liệu, thuốc cổ truyền liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành.

 Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn sâu về y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển y học cổ truyền và kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; đào tạo lương y, lương dược; phấn đấu đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tham gia các chương trình giảng dạy, đào tạo nguồn nhân lực y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, kiểm nghiệm, chứng minh hiệu quả của các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc, các bài thuốc, vị thuốc y học cổ truyền.

Chủ động tích cực và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, đẩy mạnh việc xây dựng và quảng bá hình ảnh, thương hiệu của y học cổ truyền Việt Nam ra thị trường quốc tế. Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế, các quốc gia có nền y học cổ truyền phát triển nhằm thu hút đầu tư, tranh thủ sự hỗ trợ, chuyển giao công nghệ kỹ thuật, chú trọng hợp tác về hoạt động khám chữa bệnh, đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Tiếp tục tổ chức có hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong quản lý dược liệu, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền và các dịch vụ y học cổ truyền. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý các vi phạm; phòng, chống các sản phẩm y học cổ truyền, dược liệu giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tập trung phát triển và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, sản phẩm y học cổ truyền; nâng cao chất lượng dịch vụ của y học cổ truyền gắn với chăm sóc sức khỏe và phục vụ du lịch.

Đẩy mạnh xã hội hoá, ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực y học cổ truyền nhằm huy động các nguồn lực, thành phần tham gia vào công tác phát triển y học cổ truyền.

Hội Đông y và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy vai trò trong việc tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin về y học cổ truyền Việt Nam. Thực hiện hiệu quả công tác sưu tầm, bảo tồn các bài thuốc hay, cây thuốc quý, các phương pháp chữa bệnh hiệu quả, tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến hội viên và nhân dân trong nước và quốc tế biết, sử dụng an toàn, hiệu quả.

Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ lương y, lương dược theo quy định; hỗ trợ hội viên đăng ký sở hữu trí tuệ, thừa kế các vị thuốc, bài thuốc, phương pháp chữa bệnh của các dân tộc.

UBND Quảng Ngãi

comment Bình luận