Trà Vinh: Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học

Nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Trà Vinh ban hành kế hoạch số 86/KH-UBND về việc triển khai đề án “tăng cường phòng chống tội phạm về đa dạng sinh học (ĐDSH) giai đoạn 2023 – 2025 và giai đoạn 2026 – 2030” trên địa bàn tỉnh.
15:44 | 17/09/2023

Kế hoạch đề ra mục tiêu cho 2 giai đoạn cụ thể như sau: Giai đoạn 2023 – 2025, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan tổ chức, cá nhân về bảo vệ, bảo tồn các loài động vật, thực vật hoang dã, nhất là các loài động vật, thực vật nhóm nguy cấp quý hiếm; thể chế hóa các quy định của pháp luật thuộc trách nhiệm của tỉnh, thực hiện rà soát và đề xuất hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm thống nhất trong công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ ĐDSH.

Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động nuôi trồng động vật, thực vật hoang dã trên địa bàn tỉnh và xử lý nghiêm các hành vi khai thác, đánh bắt, vận chuyển, buôn bán trái phép các loài động vật, thực vật hoang dã, quý hiếm. Kiểm soát tốt việc du nhập và phát triển các loài sinh vật ngoại lai xâm hại. Nâng cao tỷ lệ xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo tồn ĐDSH, đảm bảo tính răn đe, giáo dục phòng ngừa chung.

Công an cơ sở phát tờ gấp tuyên truyền phòng, chống tội phạm đến người dân (Ảnh: Mộng Tuyền)

Công an cơ sở phát tờ gấp tuyên truyền phòng, chống tội phạm đến người dân (Ảnh: Mộng Tuyền)

Phấn đấu trên 80% lực lượng chuyên trách trực tiếp thực hiện công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ ĐDSH được đào tạo, tập huấn kiến thức, nghiệp vụ chuyên sâu. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật cần thiết phục vụ công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ ĐDSH. Huy động, đa dạng hóa nguồn lực phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh, phát hiện, điều tra tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ ĐDSH.

Giai đoạn 2026 – 2030, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả đề án và các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của địa phương được giao tại chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học phù hợp điều kiện thực tế của tỉnh.

Phấn đấu tỷ lệ thụ lý tin tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố về tội phạm ĐDSH đạt 100% và tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố về tội phạm đạt trên 90%; 100% các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về ĐDSH phải được khởi tố điều tra theo quy định của pháp luật. Phấn đấu 100% các lực lượng chuyên trách trực tiếp thực hiện công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan về ĐDSH được đào tạo, tập huấn kiến thức, nghiệp vụ chuyên sâu.

Để thực hiện mục tiêu trên đạt hiệu quả, một số giải pháp sẽ được thực hiện là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về ĐDSH; hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ ĐDSH.

Tăng cường công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ ĐDSH; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, kỹ thuật phục vụ công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ ĐDSH.

UBND tỉnh giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với lực lượng Công an cơ sở cùng các sở, ban ngành có liên quan rà soát, đề xuất hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ ĐDSH.

Quốc Bình

comment Bình luận