TP.HCM: Nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống bệnh truyền nhiễm

Nâng cao nhận thức cộng đồng và tăng cường công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm là nhiệm vụ cấp thiết tại TP.HCM. Đây là nội dung được PGS.TS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, nhấn mạnh trong Hội nghị khoa học về bệnh truyền nhiễm và các vấn đề y tế công cộng sau đại dịch COVID-19, diễn ra ngày 22/11.
19:58 | 22/11/2024
PGS.TS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM chia sẻ trong Hội nghị khoa học về bệnh truyền nhiễm và các vấn đề y tế công cộng sau đại dịch COVID-19

PGS.TS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM chia sẻ trong Hội nghị khoa học về bệnh truyền nhiễm và các vấn đề y tế công cộng sau đại dịch COVID-19

PGS.TS Nguyễn Vũ Trung khẳng định, đại dịch COVID-19 đã mang lại nhiều bài học quan trọng, đặc biệt trong việc phát hiện sớm, giám sát chặt chẽ từ những ngày đầu dịch bệnh bùng phát, và sự đáp ứng nhanh chóng, chính xác trong công tác phòng chống dịch.

Thời gian qua, TP.HCM đối mặt với những biến động trong một số bệnh truyền nhiễm như các bệnh hô hấp, tiêu hóa và những bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin. Các yếu tố như di cư, đô thị hóa, toàn cầu hóa và mức độ nhận thức của người dân đều góp phần ảnh hưởng đến tình hình dịch bệnh.

Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Trung, công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm cần được thực hiện sớm và duy trì thường xuyên, từ giai đoạn trước khi bệnh xuất hiện, đến khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, đồng thời phải triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời và hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng và đảm bảo sự hỗ trợ đầy đủ, đặc biệt cho đội ngũ y tế dự phòng.

Hội nghị khoa học Viện Pasteur TP.HCM năm 2024, với chủ đề “Bệnh truyền nhiêm và các vấn đề y tế công cộng sau đại dịch COVID-19” được tổ chức nhằm chia sẻ, cập nhật các kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất về bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi; kháng sinh, nghiên cứu vắc xin mới, một sức khỏe, quản lý chất lượng phòng xét nghiệm, bệnh không lây nhiễm cũng như các vấn đề y tế công cộng khác sau đại dịch COVID-19.

Hội nghị cũng là nơi chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm giữa các nhà khoa học, nhà hoạt động chính sách, nhà quản lý đến từ các đơn vị trong và ngoài ngành y tế, các viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm kiểm soát bệnh tật, bệnh viện, tổ chức sức khỏe trong nước và quốc tế.

Hội nghị có các diễn đàn thảo luận những báo cáo liên quan đến quản lý chất lượng phòng xét nghiệm, bệnh không lây nhiễm, HIV/STIs, các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi, tình trạng kháng kháng sinh, cũng như nghiên cứu và phát triển vắc xin.

Cao Ánh

comment Bình luận