TP. Hồ Chí Minh tìm phương án phù hợp thiết kế cầu Thủ Thiêm 4

Các chuyên gia cho rằng cần nâng cao thiết kế tĩnh không thông thuyền của Cầu Thủ Thiêm 4 nhằm phát huy lợi thế sông nước của khu vực Cảng Sài Gòn, giúp TP. Hồ Chí Minh khai thác tối đa những lợi thế để phát triển kinh tế, thúc đẩy du lịch
19:20 | 18/08/2023

Chiều 18/8, tại TP. Hồ Chí Minh, Báo Nhân dân phối hợp cùng Sở Giao thông vận tải, Sở Du lịch, Cục Hàng hải TP. Hồ Chí Minh, cùng nhiều cơ quan ban ngành có liên quan, UBND các quận cùng nhiều chuyên gia đã tổ chức hội thảo “Ảnh hưởng của tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 đến tiềm năng phát triển du lịch khu vực Cảng Sài Gòn”.

Hội thảo là diễn đàn để các kiến trúc sư, chuyên gia kinh tế, đô thị, nhà quản lý cùng nhau thảo luận tìm ra giải pháp ưu việt, từ đó tư vấn cho lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng và lựa chọn phương án thiết kế cầu Thủ Thiêm 4 với tĩnh không phù hợp.

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân Dân cho biết:  Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đang quá tải về hạ tầng giao thông, Thành phố đã có nhiều nỗ lực, đầu tư xây dựng và hoàn thành nhiều công trình giao thông trọng điểm, trong đó có nhiều công trình vượt sông Sài Gòn như: Năm 2008 khánh thành cầu Thủ Thiêm 1; năm 2009 khánh thành cầu Phú Mỹ; 2011 thông xe hầm Thủ Thiêm, năm 2022 khánh thành cầu Thủ Thiêm 2 (nay là cầu Ba Son). Cùng với đó, cầu Thủ Thiêm 4 đang trong quá trình lập dự án, thiết kế, xúc tiến đầu tư... qua đó, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trục chính của thành phố, nhất là khu vực phía Đông và phía Nam; mở ra tiềm năng phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ, đặc biệt là khai thác tối đa lợi thế của dòng sông Sài Gòn.

Hiện nay, phương án thiết kế của cầu Thủ Thiêm 4 đang lấy ý kiến các sở, ngành, đơn vị liên quan, cầu dài hơn 2 km, có thiết kế tĩnh không thông thuyền BxH=80x10 (m), quy mô 6 làn xe. Vị trí cầu bắt đầu từ đường Nguyễn Cơ Thạch (thành phố Thủ Đức) bắc qua sông Sài Gòn, nối vào đường Lưu Trọng Lư (Quận 7).

Sau cầu Phú Mỹ (tĩnh không thông thuyền 45m) thì cầu Thủ Thiêm 4 là cây cầu cửa ngõ của khu vực cảng Sài Gòn. Do vậy, thiết kế tĩnh không thông thuyền của cầu Thủ Thiêm 4 sẽ ảnh trực tiếp đến việc quy hoạch, phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch đường sông của bến cảng Sài Gòn cũng như khu vực sông nước của cả Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại hội thảo, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng: TP. Hồ Chí Minh nên tận dụng vị trí của Cảng Nhà Rồng - Khánh Hội để xây dựng một Cảng Du lịch tàu biển để đón du khách trong và ngoài nước. Nếu giữ nguyên thiết kế tĩnh không thông thuyền của Cầu Thủ Thiêm 4 thấp thì Thành phố Hồ Chí Minh đã làm mất đi lợi thế của một khu vực đẹp nhất để làm kinh tế ven sông, kinh tế ban đêm.

Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh: Trong xu hướng phát triển du lịch hiện nay, chúng ta cần phải đồng bộ hóa rất nhiều các giải pháp, suốt thời gian vừa qua, thành phố đã xây dựng nhiều các sản phẩm như du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, trong đó nhấn mạnh du lịch đường thủy

Khu vực quy hoạch xây dựng cầu Thủ Thiêm 4

Khu vực quy hoạch xây dựng cầu Thủ Thiêm 4

TP Hồ Chí Minh có thế mạnh về du lịch đường sông rất lớn với 101 tuyến giao thông đường thủy với tổng chiều dài hơn 900 km. Năm 2018 thành phố đã đón gần 850 ngàn lượt khách đường thủy, năm 2019 đón gần 800 ngàn lượt khách trong đó có khoảng 41% là khách quốc tế đến từ đường biển, do đó Cầu Thủ Thiêm 4 cần thiết kế độ tĩnh không cầu phù hợp để đảm bảo việc đưa đón, phục vụ hành khách được thuận tiện. Việc giao thông đường thủy thuận lợi mới dễ dàng thu hút khách du lịch đường thủy quốc tế nhiều hơn trong thời gian tới.

Nhà nghiên cứu hàng hải Đỗ Thái Bình nhận định: Thành phố Hồ Chí Minh cần phải khẳng định là thành phố thương cảng thì mới có thể gây ấn tượng được với khách du lịch. Để làm được điều đó, cầu Thủ Thiêm 4 hay nhiều cầu khác được xây dựng trên sông Sài Gòn cần phải có độ tĩnh không phù hợp để các tàu lớn có thể chạy qua, có những con tàu có thể chứa tới bốn đến năm ngàn du khách, đây là nguồn du khách khổng lồ, tạo tiền đề để phát triển kinh tế thành phố Hồ Chí Minh

Cầu Thủ Thiêm 4 có điểm bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh-nút cầu Tân Thuận 2, điểm cuối là đường Nguyễn Cơ Thạch-Thủ Thiêm. Tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỉ đồng theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Cầu dự kiến dài hơn khoảng 2,1km, rộng 28m với 6 làn xe và 2 lề bộ hành.

Các cảng hiện nay trên sông Sài Gòn

Các cảng hiện nay trên sông Sài Gòn

Khi đi vào hoạt động, cầu sẽ tạo thêm đường kết nối giữa TP Thủ Đức qua quận 7, giải quyết tình trạng ùn ứ giao thông hiện nay ở đường Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Văn Linh, cầu Phú Mỹ, cầu Kênh Tẻ. Cùng với đó, tạo điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế Khu đô thị mới phía nam cũng như Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Vân Phong

comment Bình luận