TP. HCM: Tập trung rà soát, cập nhật danh sách trẻ tiêm chủng vắc xin sởi

Chiều 5/9, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Trần Thị Diệu Thúy chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, quận huyện về tình hình dịch bệnh sởi trên địa bàn Thành phố.
14:25 | 06/09/2024

Phát biểu tại buổi làm việc, PGS.TS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP. HCM, cho biết Thành phố đã triển khai các phương án như kế hoạch đã được duyệt, tuy nhiên số lượng trẻ được tiêm vắc xin sởi chưa cao.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hồng Tâm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. HCM cho biết, số ca sởi mắc mới tại thành phố tăng hàng ngày. Cụ thể, từ 23/5 – 4/9 là 541 ca, đã có 3 ca tử vong liên quan đến sởi là những trẻ có bệnh bẩm sinh.

Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, tổng số trẻ được quận, huyện rà soát, thống kê thấp hơn số trẻ trên hệ thống. Kết quả điều tra trẻ từ 1 – 5 tuổi đến ngày 4/9, chỉ có 4 quận, huyện đạt trên 100%; 2 quận, huyện đạt từ 80 - 100% và 17 quận, huyện đạt dưới 80%. Vì vậy, cần quyết liệt hơn trong công tác điều tra trẻ.

Kết quả tiêm chủng đến hết ngày 4/9, tổng số mũi MR đến hết 4/9 là 16.907 mũi.

Tất cả quận, huyện đều chưa tiêm hết số trẻ thiếu mũi đã được lập danh sách; cao nhất là Bình Chánh 60%, thấp nhất là Cần Giờ 9,3%. Các quận, huyện cần tích cực mời các trẻ đã được lập danh sách ra tiêm; song song với điều tra thêm trẻ.

Tình hình dịch sởi tại Thành phố theo quận, huyện đến 4/9: Bình Chánh 136 ca, Bình Tân 123 ca, Hóc môn 41 ca, TP. Thủ Đức 33 và quận 12 là 32 ca.

Toàn cảnh buổi làm việc

Toàn cảnh buổi làm việc

Ông Nguyễn Hồng Tâm cho rằng, cần tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh sởi. Theo đó, cần triển khai tiêm chiến dịch tại trường học, cơ sở nuôi dưỡng; bệnh viện, cơ sở y tế, trạm y tế; đội tiêm lưu động: Trung tâm y tế, trạm y tế. Khi cần thiết sẽ huy động bệnh viện quận, huyện; Khi cần hỗ trợ thêm nhân sự hoặc cần đẩy nhanh tiến độ tiêm, Sở Y tế sẽ điều phối nhân lực.

Về phòng chống dịch trong cộng đồng, cần tăng cường giám sát phát hiện sớm ca bệnh trong cộng đồng thông qua mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng; kiểm tra, giám sát hoạt động phòng chống dịch bệnh trong trường học, trong các cơ sở bảo trợ xã hội; triển khai kịch bản xử lý các tình huống dịch, bệnh sởi trong cộng đồng và giám sát hỗ trợ các trung tâm y tế, trạm y tế thực hiện.

Đồng thời, cần ban hành quy trình xử lý ca bệnh sởi trong trường học, cách phòng ngừa lây nhiễm (khuyến khích mang khẩu trang, theo dõi sức khỏe học sinh, vệ sinh trường lớp…), xử lý khi nghi ngờ, lập danh sách và rà soát tiền sử tiêm chủng của học sinh, phối hợp tổ chức tiêm và thông báo cho phụ huynh học sinh và hướng dẫn nghỉ học, cách ly tại nhà đối với học sinh mắc sởi.

Góp ý tại buổi làm việc, Bác sĩ Nguyễn Vũ Thượng - Phó Viện Trưởng Viện Pasteur TP. HCM, cho rằng tại TP. HCM, nổi bật là 6 quận huyện, vùng ven như Bình Chánh, Bình Tân, Hóc Môn, quận 12, quận 7, TP. Thủ Đức có số ca mắc sởi chiếm 73% tổng số ca sởi của Thành phố. Điều này cho thấy, để hạn chế tốc độ lây lan dịch sởi, cần ưu tiên tập trung giải quyết cho điểm nóng trước.

Đối với các trường học, học sinh đã tựu trường thì hệ thống giám sát bệnh tật ở trường cần làm tốt để phát hiện trẻ sốt, trẻ nghỉ học nhiều có phải do mắc sởi không để có biện pháp xử lý dập dịch. Những trường có trẻ mắc sởi, cần ưu tiên tiêm vắc xin cho học sinh trước để tránh lây lan cho gia đình và cộng đồng.

Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Trần Thị Diệu Thúy phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Trần Thị Diệu Thúy phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Trần Thị Diệu Thúy cho rằng, sau khi công bố dịch, ngành y tế từ cơ sở cho đến cấp Thành phố và các sở ngành đã vào cuộc và phối hợp rất tốt. Các cơ quan báo chí truyền thông tích cực hỗ trợ truyền thông đến người dân.

Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Trần Thị Diệu Thúy cho rằng, hiện nay kết quả điều tra trẻ từ 1 - 5 tuổi đến ngày 4/9 còn rất thấp. Vì vậy, đề nghị các đơn vị tập trung rà soát, cập nhật danh sách trẻ, việc quản lý chặt số lượng trẻ trên địa bàn sẽ giúp kiểm soát được số lượng trẻ chưa được tiêm chủng. Các quận, huyện phải quản lý địa bàn bằng phương pháp quản lý dân cư; các quận, huyện trước tiên phải rà soát cập nhật được danh sách trẻ em để triển khai tiêm chủng.

Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Trần Thị Diệu Thúy đề nghị nhóm trẻ 1 - 10 tuổi phải được tập trung cao nhất và ngành giáo dục sẽ phối hợp đối với các trường mầm non, trường tiểu học có các nhóm trẻ này.

Riêng những nhóm trẻ trong khu dân cư không đi học hoặc chưa đến tuổi đi học, hoặc gia đình có người chăm sóc nên không đến trường thì lực lượng tại địa bàn phải thực hiện và đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Đây là trách nhiệm của phường xã phải tổ chức thực hiện. Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Trần Thị Diệu Thúy yêu cầu trong tuần tới phải đảm bảo tăng tỷ lệ tiêm của nhóm trẻ nguy cơ từ 1 - 10 tuổi.

Liên quan đến tuyên truyền, Phó Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông phải chủ động phối hợp Sở Y tế cập nhật thông tin thường xuyên và chịu trách nhiệm tham mưu thực hiện kế hoạch triển khai tuyên truyền trong trường học, địa bàn dân cư qua nhiều hình thức để lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Trần Thị Diệu Thúy yêu cầu các sở ngành, quận huyện phải tập trung cao độ để thực hiện các nhiệm vụ được giao; các quận huyện triển khai các nhiệm vụ nhanh chóng, thường xuyên và liên tục; tổ chức giao ban, kiểm tra các địa bàn xuất hiện dịch, đặc biệt 04 quận, huyện có ca nhiễm cao để báo cáo kịp thời tình tình dịch bệnh trên địa bàn.

UBND TP. HCM

comment Bình luận