TP. HCM: Hơn 1.100 ca mắc mới bệnh tay chân miệng trong 1 tuần

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. HCM cho biết, tính từ ngày 25/9 đến ngày 1/10, TP. HCM ghi nhận 1.127 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 14,4% so với trung bình tháng trước.
15:55 | 04/10/2023

Theo các chuyên gia, mặc dù tốc độ gia tăng của bệnh tay chân miệng trong tháng 8 và tháng 9 có xu hướng chậm lại và giảm dần. Tuy nhiên, trong tuần qua, số ca mắc bệnh gia tăng nên cần lưu ý.

Để phòng bệnh tay chân miệng, người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp theo khuyến cáo của ngành y tế như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng cho trẻ và người chăm sóc trẻ; thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ trẻ tiếp xúc hàng ngày; đưa trẻ đi khám ngay tại các cơ sở y tế gần nhất khi trẻ có biểu hiện sốt, nổi hồng bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, loét miệng, giật mình.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. HCM cũng khuyến cáo, phụ huynh đặc biệt lưu ý các dấu hiệu cảnh báo bệnh tay chân miệng trở nặng.

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Dấu hiệu cảnh báo bệnh tay chân miệng trở nặng

Cha mẹ cần lưu ý các dấu hiệu cảnh báo bệnh tay chân miệng trở nặng như trẻ sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ sốt; giật mình: đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Cha mẹ chú ý quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không; quấy khóc dai dẳng kéo dài: trẻ có thể quấy khóc nhiều, quấy khóc cả đêm không ngủ (trẻ cứ ngủ khoảng 15 - 20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15 - 20 phút rồi lại ngủ tiếp). Một số dấu hiệu khác gồm khó thở, nôn nhiều, nôn khan, khó nuốt, yếu chân tay, đi loạng choạng,…

Các bác sĩ khuyến cáo nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được xác định mức độ bệnh, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Cha mẹ không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm.

Lan Đinh

 
comment Bình luận