TP. HCM: Công bố quyết định xếp hạng di tích cấp Thành phố nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ XIX

Ngày 22/11, tại bảo tàng Tôn Đức Thắng, Sở Văn hóa và Thể thao TP. HCM tổ chức lễ công bố quyết định xếp hạng di tích cấp Thành phố nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ XIX năm 2024 (23/11/2005 - 23/11/2024).
16:26 | 22/11/2024

Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL, trong đó nêu rằng “bảo tồn cổ tích là việc rất cần trong công cuộc kiến thiết nước Việt Nam". Sắc lệnh số 65/SL phản ánh những tư tưởng, quan điểm rất cơ bản, sâu sắc của Nhà nước ta đối với việc bảo tồn di sản văn hóa, cho đến nay sắc lệnh ấy vẫn giữ nguyên ý nghĩa lý luận và thực tiễn, soi sáng cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đất nước.

Từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trên cơ sở khẳng định lại quan điểm xuyên suốt của Đảng là văn hóa phải được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Những nhiệm vụ cần thực hiện hiệu quả để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc đó là khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của tất cả người dân Việt Nam.

Nghệ sĩ, giảng viên đàn Nguyệt Mai Thanh Sơn độc tấu mở màn lễ kỷ niệm 19 năm Hội di sản văn hóa TP. HCM

Nghệ sĩ, giảng viên đàn Nguyệt Mai Thanh Sơn độc tấu mở màn lễ kỷ niệm 19 năm Hội di sản văn hóa TP. HCM

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đồng thời được sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lãnh đạo Thành ủy, UBND TP. HCM, Sở Văn hóa và Thể thao đã có nhiều giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, cùng với Hội Di sản văn hóa Thành phố thực hiện việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc và đã đạt được một số kết quả tiêu biểu cụ thể như sau:

Sở Văn hóa và Thể thao đã kịp thời tham mưu UBND Thành phố triên khai có hiệu quả kế hoạch thực hiện chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn TP. HCM, kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn TP. HCM đến năm 2025; kế hoạch thực hiện đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” trên địa bàn TP. HCM đến năm 2025...

Trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Thành phố tăng cường công tác kiểm kê, lập danh mục kiểm kê đối với các công trình, địa điểm có giá trị lịch sử - văn hóa. Trên địa bàn Thành phố có 193 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 58 di tích cấp quốc gia, 133 di tích cấp Thành phố. Trong giai đoạn 2020 - 2024, có 16 công trình, địa điểm được xếp hạng di tích, trong đó Trụ sở UBND Thành phố và Đình thần Linh Đông là di tích cấp quốc gia. Ngoài ra, Thành phố có hơn 130 công trình, địa điểm thuộc danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, tăng 30 công trình so với trước giai đoạn trước đó.

Đối với việc đầu tư, tu bổ tôn tạo các di tích, đặc biệt ưu tiên các di tích lịch sử trong tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia, di tích khảo cổ và các di tích là đình làng, trong giai đoạn từ năm 2020 - 2022, nguồn vốn đầu tư tu bổ bằng nguồn ngân sách nhà nước khoảng 90 tỷ đồng, giai đoạn năm 2023 - 2024 là khoảng 580 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ đầu tư tu bổ bằng nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 - 2024 so với năm 2020 - 2022 tăng hơn 600%. Các di tích đang được tu bổ bằng nguồn ngân sách nhà nước: Tòa án nhân dân Thành phố, đình Chí Hòa, chùa Giác Viên, đình Xóm Huế, giồng Cá Vồ...

Về nguồn vốn xã hội hóa, giai đoạn 2020 - 2022 đạt khoảng 60 tỷ đồng, giai đoạn từ năm 2023 - 2024 đạt khoảng 365 tỷ đồng, tăng khoảng hơn 300 tỷ đồng. Các di tích đang tu bổ bằng nguồn vốn xã hội hóa như nhà thờ Đức Bà, Chùa Văn Thánh, Chùa Sắc Tứ Trường Thọ...

Lễ công bố quyết định xếp hạng di tích cấp Thành phố nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ XIX

Lễ công bố quyết định xếp hạng di tích cấp Thành phố nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ XIX

Sở Văn hóa và Thể thao đang chỉ đạo các phòng chuyên môn hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để cấp thẩm quyền xem xét cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa TP. HCM; triển khai thực hiện các quy trình để lập hồ sơ địa đạo Củ Chi đề nghị tổ chức UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Đối với công tác tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh thực hiện công tác kiểm kê, xây dựng danh mục di sản văn hóa phi vật thể, tập trung sưu tầm, xác định các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu. Cuối năm 2023, Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức các hoạt động kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận nghệ thuật đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tổ chức Hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn TP. HCM thu hút đông đảo các chuyên gia, các nhà khoa học, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú... tham dự và thảo luận tại hội thảo. Đến nay, Thành phố đã hình trên 186 câu lạc bộ và 41 đờn ca tài tử đang hoạt động sôi nổi.

Theo ông Trần Thế Thuận - Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TP. HCM cho biết: "Hiện nay, TP. HCM đang trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét đưa nghệ thuật trình diễn lân sư rồng vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Như vậy, sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận nghệ thuật trình diễn lân sư rồng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, TP. HCM có 2 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh; 5 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia".

Ông Trần Thế Thuận - Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TP. HCM phát biểu tại buổi lễ

Ông Trần Thế Thuận - Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TP. HCM phát biểu tại buổi lễ

Về các hoạt động bảo tàng, trên địa bàn Thành phố hiện nay có 18 bảo tảng, trong đó có 7 bảo tàng trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao, 6/7 bảo tàng trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng 1; 4 bảo tàng trực thuộc các bộ ngành Trung ương. Bảo tàng ngoài công lập ngày càng tăng, trong giai đoạn trước năm 2022, chỉ có 3 bào tàng ngoài công lập. Nhưng từ giai đoạn 2023 - 2024, Sở đã thẩm định và cấp phép thành lập 4 bảo tàng ngoài công lập. Đến nay, trên địa bàn Thành phố đã có 7 bảo tàng ngoài công lập, với sự đa dạng về thành phần và số lượng các sưu tầm hiện vật, các bảo tàng ngoài công lập cùng với bảo tàng công lập đã góp phần trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên cả nước nói chung và TP. HCM nói riêng.

Thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố và chỉ đạo của UBND Thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao đã ban hành hướng dẫn việc miễn phí người dân TP. HCM đến tham quan tại các tại các bảo tàng công lập trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao nhân kỷ niệm, sự kiện của Thành phố và đất nước.

Các bảo tàng tăng cường công tác sưu tầm các hiện vật, năm 2024, Hội đồng thẩm định thống nhất cho 5 bảo tàng mua 268 hiện vật. Các bảo tàng không ngừng triển khai việc đổi mới công tác trưng bày các hiện vật, chuyển đổi số trong hoạt động bảo tàng. Qua đó, số lượng du khách tới tham quan bảo tàng ngày càng tăng, trở thành điểm đến yêu thích của nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến với Thành phố, ước tính trong năm 2023 - 2024, đã có 5.883.281 lượt khách tham quan.

z6057887098936_6223736128b073425ac506609a52b141

Đối với việc đầu tư, xây dựng và mở rộng bảo tàng, hiện nay, công trình xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng là dự án tiêu biểu chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), hiện đã hoàn thành việc triển khai thực hiện các hạng mục trưng bày và dự kiến khánh thành vào ngày 3/1/2025. Mặt khác, Sở Văn hóa và Thể thao đang tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện dự án trưng bày hiện vật tại bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ; triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án cải tạo mở rộng bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP. HCM; xây dựng đề cương trưng bày và công tác chuẩn bị thực hiện đầu tư dự án xây dựng mới bảo tàng TP. HCM tại công viên lịch sử văn hóa Dân tộc, TP. Thủ Đức...

Trong hợp tác quốc tế, năm 2024, Sở Văn hóa và Thể thao đã chủ trì, phối hợp với Sở Ngoại vụ tham mưu lãnh đạo Thành phố tổ chức đoàn công tác đến Trung Quốc giao lưu hợp tác và học tập kinh nghiệm lĩnh vực di sản văn hóa tập trung các vấn đề như: Xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới; các giải pháp thực hiện việc xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa (Quỹ bảo tồn di sản, trao tặng hiện vật...); tổ chức hoạt động kho bảo quản hiện vật; kinh nghiệm tu bổ, tôn tạo các di tích, đặc biệt là di tích khảo cổ, công tác trưng bày hiện vật tại các bảo tàng và di tích; công tác đào tạo nguồn lực bảo tàng và di tích.

Ngoài ra, Ban Giám đốc Sở đã và đang tạo điều kiện về mọi mặt để các bảo tàng mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế thông qua các dự án về đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực và trao đổi hợp tác chuyên môn giữa các nước như: “Dự án FSPI: Chia sẻ và gìn giữ di sản Việt Nam", tham gia tổ chức khóa tập huấn trong khuôn khổ dự án triển lãm “Chúng tôi, những dòng sông"...

Có thể nói trong năm qua, hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích, bảo tảng của Thành phố đã có những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao vị trí trung tâm của Thành phố, đồng thời ngày càng đáp ứng nhu cầu của Nhân dân và du khách, là một trong những trụ cột của ngành văn hóa Thành phố.

z6057887094555_92c92c1350aa18eb201c0c5a2eb5bb45

Tại buổi lễ, ông Trần Thế Thuận - Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TP. HCM và ông Cao Thanh Bình - Trưởng Ban Văn hoá xã hội, Hội đồng Nhân dân TP. HCM trao quyết định xếp hạng di tích cấp Thành phố cho 5 di tích gồm: Di tích kiến trúc nghệ thuật Trụ sở Cục Hải quan TP. HCM, địa chỉ số 2 đường Hàm Nghi và số 21 đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, Quận 1; Di tích kiến trúc nghệ thuật Trụ sở UBND Quận 1, địa chỉ số 45 - 47 đường Lê Duẩn, phường Bến Nghé, Quận 1; di tích kiến trúc nghệ thuật chợ Bến Thành, địa chỉ Cửa Nam - chợ Bến Thành, phường Bến Thành, Quận 1; di tích kiến trúc nghệ thuật đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, địa chỉ số 36 đường Võ Thị Sáu, phường Tân Định, Quận 1; di tích kiến trúc nghệ thuật mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt ty, Thừa vụ lang họ Trần, địa chỉ hẻm 113 đường Trần Văn Đang, Phường 11, Quận 3.

Sau lễ công bố quyết định hôm nay, các công trình, địa điểm vừa được xếp hạng di tích triển khai việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tiếp tục tuyên truyền cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị và Nhân dân tại địa phương ý nghĩa của việc được xếp hạng, nghiên cứu, xây dựng các kế hoạch nhằm quảng bá, giới thiệu và để công chúng được tham quan.

Đất nước đang chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn minh, việc giữ gìn và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa của đất nước ngày càng trở thành vấn đề cấp thiết, đặt ra nhiều nhiệm vụ mới đối với ngành di sản văn hóa nhưng với kinh nghiệm và tâm huyết của những cán bộ, công chức viên chưc, hội viên công tác trong lĩnh vực di sản văn hóa tại TP. HCM, ngành di sản văn hóa trong những năm tiếp theo sẽ đóng góp thiết thực cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của Thành phố nói riêng và đất nước nói chung.

Bảo Bình - Trần Cường

comment Bình luận