TP. Đà Nẵng: Tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nạn nhân chất độc da cam từng bước phục hồi, hòa nhập cộng đồng
Tham dự đại hội có Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ quốc phòng, Chủ tịch Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh.
Thành phố Đà Nẵng được xác định là một trong những “điểm nóng” dioxin tại Việt Nam sau chiến tranh, trong đó sân bay Đà Nẵng từng là kho chứa chất độc hóa học/dioxin lớn nhất, chiếm 35% tổng số lượng chất dioxin được sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Tại đây, hàm lượng dioxin trong đất có nơi vượt đến 365 lần, hàm lượng dioxin trong bùn vượt hơn 200 lần, động vật thủy sinh vượt hơn 5 lần, thực vật thủy sinh vượt hơn 3.700 lần so với tiêu chuẩn.
Hiện nay, thành phố có trên 5.000 người nhiễm và nghi nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó có gần 1.000 nạn nhân ở thế hệ thứ 2, 3; nhiều gia đình có 2 - 3 nạn nhân bị ảnh hưởng do di chứng của chất độc da cam/dioxin gây ra. Hầu hết các gia đình nạn nhân đều có hoàn cảnh rất khó khăn, luôn phải đối mặt với bệnh tật, thuốc men và sự đau đớn về thể xác lẫn tinh thần, đối với cả bản thân nạn nhân và cả người thân trong gia đình nạn nhân.
Với tinh thần “Đoàn kết - Nghĩa tình - Trách nhiệm - Vì nạn nhân chất độc da cam”, trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP. Đà Nẵng và các cấp hội đã chủ động tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền ban hành nhiều văn bản về chính sách hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân da cam; tổ chức các chương trình, hoạt động lớn như kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam Việt Nam, chương trình “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”, “Mùa xuân cho em”,...
Đồng thời, đẩy mạnh công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam tại trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và cộng đồng bằng các biện pháp ngày càng phong phú, đa dạng, hiệu quả, thiết thực nhằm giúp nạn nhân từng bước phục hồi các chức năng về vận động và trí tuệ; từ đó, áp dụng các hình thức đào tạo nghề phù hợp như làm hoa, học may, học vi tính,... giúp các nạn nhân tự tin, hòa nhập với cộng đồng, xã hội.
Mô hình chăm sóc, nuôi dưỡng bán trú cho hơn 110 nạn nhân chất độc da cam và trẻ khuyết tật tại trung tâm ở 2 cơ sở quận Thanh Khê và huyện Hòa Vang được UNICEF đánh giá cao là mô hình điểm về nâng cao chất lượng chăm sóc ban ngày cho trẻ khuyết tật.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố cũng nỗ lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ vận động quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam TP. Đà Nẵng, với tổng kinh phí vận động được trong 5 năm gần 48 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với kế hoạch đề ra. Từ nguồn hỗ trợ này, hội đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà tình thương, tặng xe lăn, xe đạp, hỗ trợ vốn, khám chữa bệnh miễn phí, tặng quà nhân dịp lễ, tết, hỗ trợ khó khăn đột xuất, hỗ trợ trong dịch bệnh COVID-19,… cho gần 40.000 lượt nạn nhân.
Phát biểu chỉ đạo đại hội, Chủ tịch Lê Trung Chinh ghi nhận và biểu dương tinh thần trách nhiệm, tình thương, quyết tâm, tất cả vì mục tiêu chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố, cùng những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, góp phần thực hiện các đề án, mục tiêu về an sinh xã hội và định hướng phát triển thành phố. Đồng thời khẳng định, lãnh đạo thành phố luôn đánh giá cao vai trò, đóng góp của các tổ chức hội, luôn dõi theo, quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hội.
Theo đó, nhiều chính sách đặc thù cao hơn quy định Trung ương đã được ban hành như nâng mức hỗ trợ và mở rộng đối tượng, điều kiện hưởng trợ cấp thường xuyên đối với người tham gia kháng chiến và đang nghiên cứu mở rộng chính sách cho con cháu của người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng chất độc hóa học; chính sách tặng quà cho người khuyết tật...
Thành phố cũng quan tâm chỉ đạo thực hiện vận động phi chính phủ nước ngoài, đàm phán, ký kết với các tổ chức quốc tế, các tổ chức NGO; phê duyệt thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ, điển hình như dự án thành phố thân thiện với trẻ em do UNICEF hỗ trợ đã được phê duyệt và triển khai trong năm nay, trong đó có một hợp phần hỗ trợ thông qua Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố để nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ nạn nhân chất độc da cam.
Trong nhiệm kỳ 2023 - 2028, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, bám sát yêu cầu thực tiễn, tình hình, đời sống của nạn nhân chất độc da cam để có kế hoạch hoạt động phù hợp, hiệu quả; tiếp tục chú trọng rà soát, củng cố, phát triển tổ chức hội, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hội, các cấp, các cơ sở, đơn vị trực thuộc.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh, đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật nhà nước đối với nạn nhân da cam, nhất là trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và nhân dân thế giới về thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học theo hướng phù hợp với thời đại công nghệ số; tạo ra các hoạt động có tính lan tỏa sâu rộng hơn.
“Đề nghị các cấp hội nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác vận động nguồn lực xã hội, đồng thời quan tâm lồng ghép, tận dụng các nguồn lực sẵn có để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam phù hợp, thiết thực và hiệu quả nhất, phù hợp nhu cầu của đối tượng, tăng số lượng người được hỗ trợ nhiều nhất có thể. Đồng thời, tranh thủ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế trong tổ chức triển khai các mô hình chăm sóc, vận dụng hiệu quả vào thực tiễn thành phố, tạo điều kiện hết sức để giúp đỡ các nạn nhân có khả năng từng bước phục hồi, hòa nhập cộng đồng”, Chủ tịch Lê Trung Chinh nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND thành phố cũng lưu ý Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong công tác theo dõi giám sát tình hình thực hiện chính sách đối với nạn nhân da cam, chủ động rà soát, nắm chắc số liệu thống kê nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn, đề xuất các cấp chính quyền thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho những người đủ điều kiện được hưởng.
Tại đại hội, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tặng 7 kỷ niệm chương “Vì nạn nhân chất độc da cam” cho 7 cá nhân có đóng góp lớn trong sự nghiệp chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam; tặng 9 bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da càn” giai đoạn 2018 - 2023. Đại hội bầu ra Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới gồm 21 thành viên, trong đó ông Nguyên Văn An, nguyên Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội được bầu làm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Đà Nẵng, nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Ngô Huyền
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Cà Mau: Tập huấn tư vấn cai nghiện thuốc lá tại cộng đồng
Nhằm thực hiện tốt các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Trần Văn Thời tổ chức lớp tập huấn tư vấn cai thuốc lá cho 40 học viên là cộng tác viên, y tế khóm/ấp tại cộng đồng.November 22 at 4:25 pm -
Đà Nẵng: Tập huấn nâng cao kỹ năng truyền thông giáo dục sức khỏe cho y tế thôn bản
Từ ngày 19/11 đến 21/11, tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Đà Nẵng tổ chức 2 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng truyền thông giáo dục sức khỏe cho đội ngũ nhân viên y tế thôn bản của 11 xã trên địa bàn huyện Hoà Vang.November 22 at 4:25 pm -
Gia Lai phát động tháng hành động vì bình đẳng giới
Vừa qua, tại TP. Pleiku, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Gia Lai phát động “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” năm 2024.November 21 at 8:52 am -
400 triệu đồng gây quỹ hỗ trợ sinh viên tại giải golf Trường Đại học Luật TP.HCM
Ngày 19/11, giải golf mở rộng lần I năm 2024 của Trường Đại học Luật TP.HCM diễn ra nhằm chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam. Sự kiện quy tụ 144 golfer, bao gồm các cựu giảng viên, cựu sinh viên và doanh nhân từ nhiều lĩnh vực khác nhau.November 20 at 1:03 pm