Tiền Giang: Triển khai thành công phẫu thuật thay khớp gối

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang đã triển khai thành công phẫu thuật thay khớp gối cho bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối ở mức độ nặng.
15:02 | 15/08/2024

Ca phẫu thuật do ekip bác sĩ khoa chấn thương chỉnh hình của bệnh viện, dưới sự dẫn dắt của BS.CKII Lê Quang Vàng - trưởng kíp mổ, phối hợp cùng với bác sĩ từ Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện. Ba bệnh nhân được phẫu thuật bao gồm: Bà Nguyễn Thị Cẩm L, 69 tuổi; bà Nguyễn Thị H, 65 tuổi và bà Võ Thị Đ, 54 tuổi. Cả ba đều bị thoái hóa khớp gối phải ở mức độ nặng.

Tiến sĩ Trần Bình Dương - Phó Trưởng khoa chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, người trực tiếp chuyển giao kỹ thuật thay khớp gối cho các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Cả ba ca phẫu thuật đều rất thành công. Các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang đã được đào tạo và thực hành thay khớp gối thành thục tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Việc chuyển giao và thực hiện kỹ thuật này tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang là rất hợp lý. Trước đây, Bệnh viện Chợ Rẫy đã chuyển giao kỹ thuật thay khớp gối bán phần và thay khớp háng cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, và các kỹ thuật này hiện đang áp dụng tốt, hiệu quả”.

Lần đầu tiên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang triển khai phẫu thuật thay khớp gối cho bệnh nhân bị thoái hóa khớp mức độ nặng

Lần đầu tiên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang triển khai phẫu thuật thay khớp gối cho bệnh nhân bị thoái hóa khớp mức độ nặng

Theo BS.CKII Võ Giáp Hùng - Phó Giám đốc phụ trách khối ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, thay khớp gối là một kỹ thuật mới và hiện đại. Đây là lần đầu tiên kỹ thuật này được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang. Ông cho biết: “Thoái hóa khớp gối là một trong những bệnh lý thường gặp nhất trong số các bệnh lý về cơ xương khớp, đặc biệt ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, hiện nay bệnh có xu hướng trẻ hóa, với khoảng 30% người trên 50 tuổi bị thoái hóa khớp. Thoái hóa khớp gối được chia thành 4 loại từ nhẹ đến nặng. Tùy theo mức độ thoái hóa mà có nhiều phương pháp điều trị khác nhau, từ các phương pháp không dùng thuốc như tập vật lý trị liệu, mang nẹp hỗ trợ, đến các phương pháp dùng thuốc và can thiệp ngoại khoa như phẫu thuật nội soi, ghép sụn khớp, thay khớp gối... Thay khớp gối thường được chỉ định khi bệnh nhân bị thoái hóa mức độ nặng, đau khớp kéo dài, và các giải pháp điều trị khác đều thất bại”.

BS.CKII Lê Quang Vàng chia sẻ: “Trung bình mỗi tháng, Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng 150 bệnh nhân thoái hóa khớp gối, trong đó có khoảng 30 đến 40 người bị thoái hóa mức độ rất nặng và cần chỉ định thay khớp gối. Trước đây, bệnh viện chưa thực hiện được kỹ thuật này, nên bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên để phẫu thuật. Giờ đây, việc thực hiện kỹ thuật này tại bệnh viện tỉnh giúp bệnh nhân không phải mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc khi phải chuyển lên tuyến trên. Đặc biệt, chi phí cho bệnh nhân có bảo hiểm y tế khi thay khớp gối tại bệnh viện tỉnh là dưới 50 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với thực hiện phẫu thuật tại tuyến trên. Thay khớp gối không chỉ giúp bệnh nhân không còn đau khớp, phục hồi khả năng vận động mà còn giúp điều chỉnh trục chân thẳng lại, khắc phục tình trạng chân vòng kiềng do thoái hóa”.

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang và Tiến sĩ Trần Bình Dương, Phó Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Chợ Rẫy kiểm tra sức khỏe bệnh nhân trước khi phẫu thuật

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang và Tiến sĩ Trần Bình Dương, Phó Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Chợ Rẫy kiểm tra sức khỏe bệnh nhân trước khi phẫu thuật

Thông thường, tuổi thọ trung bình của khớp gối nhân tạo là từ 20 đến 25 năm, tùy theo mức độ vận động của bệnh nhân. Do đó, độ tuổi thích hợp nhất để thay khớp gối là từ 50 đến 70 tuổi. Nếu bệnh nhân trẻ tuổi quá, có nguy cơ phải thay lại khớp gối lần hai. Ngược lại, nếu bệnh nhân lớn tuổi, thường có nhiều bệnh lý nền như loãng xương, đái tháo đường, và các bệnh lý tim mạch, phẫu thuật sẽ có nhiều nguy cơ tai biến, biến chứng về phẫu thuật và gây mê.

Phẫu thuật thay khớp gối thường được thực hiện dưới gây tê tủy sống hoặc gây mê toàn thân, kéo dài khoảng 2-3 giờ. Sau mổ, bệnh nhân sẽ nằm điều trị hậu phẫu từ 7 đến 10 ngày, kết hợp với tập vật lý trị liệu. Bệnh nhân có thể tập đi sau mổ 5-7 ngày và trở lại sinh hoạt bình thường sau khoảng từ 3-6 tháng.

Thầy thuốc Nhân dân Tạ Văn Trầm - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, nhận định: “Thành công của ekip phẫu thuật đã đánh dấu một bước tiến mới, đưa khoa chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang lên một tầm cao mới trong việc ứng dụng kỹ thuật cao trong điều trị bệnh. Trước đây, những trường hợp bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối mức độ nặng phải chuyển lên tuyến trên để phẫu thuật, nhưng nhờ những tiến bộ trong chuyên môn của đội ngũ bác sĩ chấn thương chỉnh hình và bác sĩ gây mê hồi sức, nhiều bệnh nhân và người nhà đã tin tưởng ở lại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang để phẫu thuật. Đây là một tín hiệu tích cực, đánh dấu bước tiến mới của khoa chấn thương chỉnh hình nói riêng và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang nói chung, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân trong và ngoài tỉnh Tiền Giang”.

Thanh Hoàng

comment Bình luận