Thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền vừa ký Công văn số 2568/UBND-KTN chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
13:34 | 24/05/2024

Về bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, giao Ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi; UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường và tăng cường công tác bảo vệ môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp theo quy định.

Đồng thời, đôn đốc chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp thực hiện rà soát và yêu cầu các cơ sở đang xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp phải chấm dứt việc xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa theo quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 51 và điểm đ khoản 3 Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường; lắp đặt hoàn thiện hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục bảo đảm đúng thời hạn quy định, chậm nhất trước ngày 31/12/2024 theo quy định tại Điều 97 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.

Yêu cầu chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm theo quy định pháp luật, trong đó, lưu ý không tiếp nhận thêm dự án mới hoặc nâng công suất dự án đang hoạt động có phát sinh nước thải sản xuất trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp trong trường hợp khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp không có hoặc không đáp ứng một trong các yêu cầu về hạ tầng bảo vệ môi trường được quy định tại Điều 48 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật trong trường hợp các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa bảo đảm thời hạn phải hoàn thành và yêu cầu bắt buộc phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 48, Điều 49 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.

UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn đôn đốc và yêu cầu các cụm công nghiệp đang hoạt động phải hoàn thành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường.

Quảng Ngãi thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh (ảnh minh họa)

Quảng Ngãi thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh (ảnh minh họa)

Về bảo vệ môi trường làng nghề, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tổ chức đánh giá mức độ ô nhiễm và xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh. Tổng hợp đề xuất của địa phương, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất nội dung tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây ô nhiễm môi trường kéo dài ra khỏi khu dân cư, làng nghề theo quy định.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh quy hoạch, xây dựng, cải tạo và phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường. Tổng hợp đề xuất của UBND các huyện, thị xã, thành phố, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch chuyển đổi ngành, nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề, di dời cơ sở, hộ gia đình ra khỏi làng nghề.

Trên cơ sở đề xuất của UBND các huyện, thị xã, thành phố, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh thu hồi bằng công nhận theo quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn đối với trường hợp các làng nghề, làng nghề truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận nhưng chưa bảo đảm các yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Bảo vệ môi trường, trong thời gian 36 tháng kể từ ngày 10/1/2022.

UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải; khu tập kết, xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại cho làng nghề; xây dựng, sửa chữa, cải tạo hạ tầng bảo vệ môi trường của làng nghề. Phê duyệt phương án bảo vệ môi trường làng nghề, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; đồng thời, đề xuất kế hoạch di dời cơ sở, hộ gia đình, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây ô nhiễm môi trường kéo dài ra khỏi khu dân cư, làng nghề;…

Về việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt, Sở Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ, tập huấn về chuyên môn cho các địa phương trong công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường. Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt phải được thực hiện chậm nhất vào ngày 31/12/2024. Tăng cường các hoạt động tái sử dụng, tái chế chất thải, sản phẩm thải bỏ, tận dụng tối đa giá trị, kéo dài vòng đời của sản phẩm, vật liệu; giảm tối đa lượng chất thải rắn sinh hoạt phải xử lý theo phương án chôn lấp trực tiếp tại các bãi rác, giảm diện tích chôn lấp; tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý; giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng chỉ đạo cụ thể đối với các nội dung liên quan đến xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các địa phương; tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí trên địa bàn tỉnh; thực hiện đề án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; cấp giấy phép môi trường cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp; công tác giám sát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và việc công khai thông tin môi trường.

B.T

comment Bình luận