Tăng tỷ lệ miễn dịch và phòng, chống bệnh sởi trên địa bàn TP. Cần Thơ

Nhằm chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch sởi, giảm tỷ lệ mắc, tử vong do bệnh sởi trên địa bàn thành phố và chuẩn bị chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi, Sở Y tế Cần Thơ đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp tăng cường thực hiện tăng tỷ lệ miễn dịch và phòng, chống bệnh sởi trong cộng đồng.
14:13 | 18/09/2024

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, các sở, ban ngành, đoàn thể liên quan tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của hoạt động tiêm chủng vắc xin sởi, sởi - rubella cho đội ngũ cán bộ, giáo viên các khối tiểu học, mầm non, mẫu giáo vận động phụ huynh cho trẻ em từ 1 -10 tuổi chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi vắc xin phòng bệnh sởi theo quy định thì đăng ký tiêm bù liều, tiêm bổ sung tại các cơ sở giáo dục.

UBND quận, huyện chỉ đạo cho các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện tăng cường tiêm chủng vắc xin sởi, sởi - rubella trong chương trình tiêm chủng mở rộng, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đạt tiến độ theo kế hoạch thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng hằng năm.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố phối hợp với Ngành Giáo dục và Đào tạo trong công tác rà soát tiền sử tiêm chủng sởi đối với trẻ em từ 1-10 tuổi trong trường học và UBND quận, huyện trong công tác rà soát tiền sử tiêm chủng sởi trong cộng đồng (trẻ chưa đi học hoặc không đi học). Tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của hoạt động tiêm chủng bù liều, tiêm chủng bổ sung cho trẻ. Tổ chức kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện tỷ lệ bao phủ vắc xin sởi trên địa bàn thành phố cần Thơ và báo cáo kết quả về Sở Y tế sau kiểm tra.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Khẩn trương tham mưu triển khai thực hiện chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi cho trẻ em từ 1-10 tuổi, nhân viên y tế có nguy cơ đến bệnh sởi và người thân sống cùng nhà với trẻ mắc sởi trên địa bàn TP. Cần Thơ. Tăng cường công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh; chủ động giám sát, phát hiện sớm, phòng, chống lây nhiễm, xử lý ổ dịch kịp thời; thường xuyên đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình và đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trên địa bàn TP. Cần Thơ. Chủ động phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM và các địa phương lân cận chia sẻ, cập nhật tình hình dịch bệnh.

Trung tâm y tế quận, huyện tổ chức kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình bao phủ vắc xin sởi năm 2023, 2024 và phối họp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố chỉ đạo trạm y tế xã, phường, thị trấn tổ chức tiêm bù, tiêm vét nếu chưa đạt tỷ lệ trên quy mô xã, phường, thị trấn.

Trạm y tế xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện hoạt động tiêm chủng cố định theo kế hoạch và báo cáo theo quy định. Tăng cường rà soát đối tượng tiêm thiếu mũi sởi trên địa bàn, kêu gọi người dân trên địa bàn đi tiêm đúng lịch, tiêm bù, tiêm vét.

Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ, Bệnh viện Nhi đồng, Bệnh viện Đa khoa, trung tâm y tế quận, huyện và các cơ sở y tế có điều trị bố trí cán bộ phối hợp với cơ sở tiêm chủng thực hiện việc cấp cứu và xử trí các trường họp phản ứng sau tiêm chủng. Chủ động cách ly điều trị và phòng, chống lây nhiễm tại cơ sở y tế.

Dữ liệu ghi nhận được từ hệ thống giám sát, từ ngày 1/1/2024 đến ngày 6/9/2024, TP. Cần Thơ đã ghi nhận 27 trường hợp dương tính với vi rút sởi trong tổng số 54 trường hợp sốt phát ban, riêng tháng 8 năm 2024 ghi nhận 17 ca mắc sởi. Hiện nay đang thời điểm bước vào năm học mới, học sinh các cấp quay lại trường học, nguy cơ lây lan dịch sởi tăng cao.

Lê Tuyến

comment Bình luận