Tầm quan trọng của công tác giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên

Công tác giáo dục pháp luật góp phần nâng cao ý thức pháp luật cho học sinh, sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, giúp người trẻ được giáo dục toàn diện về cả kiến thức pháp luật và kỹ năng sống.
10:12 | 14/05/2024
Tọa đàm về tình hình triển khai công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường

Tọa đàm về tình hình triển khai công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường

Đó là nhận định của ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp tại buổi tọa đàm về tình hình triển khai công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường, chiều 13/5.

Theo ông Nguyên công tác giáo dục pháp luật góp phần nâng cao ý thức pháp luật cho học sinh, sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, giúp người trẻ được giáo dục toàn diện về cả kiến thức pháp luật và kỹ năng sống.

“Công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường rất quan trọng, góp phần thi hành và đưa pháp luật vào cuộc sống. Để thực hiện giáo dục pháp luật trong nhà trường, chúng ta sẽ giáo dục thông qua môn học như đạo đức, giáo dục công dân, giáo dục kinh tế pháp luật hay giáo dục pháp luật đại cương”, ông Nguyên cho hay.

Ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp phát biểu tại buổi toạ đàm

Ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp phát biểu tại buổi toạ đàm

Tuy nhiên hiện nay, công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường còn gặp khó khăn, hạn chế do thiếu đội ngũ chuyên môn.

Tại buổi toạ đàm, cô Trần Thị Tuyết Hồng, giáo viên Trường THCS Trần Quốc Toản (TP. Thủ Đức, TP.HCM) cho rằng, giáo dục pháp luật cần được đẩy mạnh tại trường học. Để thực hiện được điều này thì ngoài các môn học bắt buộc thì nhà trường nên chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn như hội luật gia, tòa án, cơ quan công an… trên địa bàn để tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho học sinh.

Thầy Thái Quang Cường – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền chia sẻ tại buổi toạ đàm

Thầy Thái Quang Cường – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền chia sẻ tại buổi toạ đàm

Thầy Thái Quang Cường – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền cho biết, để giúp học sinh và giáo viên tiếp cận với pháp luật, nhà trường thường tổ chức các phiên tòa giả định, phổ biến phòng chống bạo lực học đường, thực hiện bản tin pháp luật. Nhà trường xem việc giáo dục pháp luật cho học sinh là nhiệm vụ trọng tâm, rất quan trọng để học sinh có lối sống nhân văn.

Cô Võ Thị Hậu, giáo viên Trường THPT Marie Curie cho rằng, nếu lồng ghép những tài liệu như hình ảnh, video về các phiên tòa thực tế cho các em xem và phân tích thì rất dễ hiểu và dễ nắm bắt. Nhưng để có được những dữ liệu này thì cần được cơ quan chuyên môn về pháp luật xây dựng.

Theo cô Hậu, cơ quan chuyên môn cần xây dựng dữ liệu số, tài liệu số để giúp giáo viên và học sinh có thể áp dụng, nắm bắt nhanh về môn học pháp luật.

Cô Võ Thị Hậu, giáo viên Trường THPT Marie Curie chia sẻ tại buổi toạ đàm

Cô Võ Thị Hậu, giáo viên Trường THPT Marie Curie chia sẻ tại buổi toạ đàm

Đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM, bà Lương Cao Thúy Uyên, Phòng Chính trị tư tưởng nhận định, để công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường ngày càng lan tỏa sâu rộng thì Sở Tư pháp và Sở GD&ĐT TP.HCM phải phối hợp chặt chẽ nhằm tổ chức nhiều hoạt động, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong trường học.

Đồng quan điểm với Sở GD&ĐT TPHCM, ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM khẳng định, để thuận lợi cho công tác giảng dạy pháp luật trong nhà trường thì rất cần có nền tảng dữ liệu số, tài liệu số. 

Theo ông Vũ, việc tuyên truyền pháp luật trong trường học hiện nay rất cần thiết và cấp bách. “Vì vậy cần duy trì và đẩy mạnh hơn nữa nhằm giúp học sinh có ý thức chấp hành pháp luật ngay từ trên ghế nhà trường để trở thành công dân tốt”, ông Vũ nhấn mạnh.

Cao Ánh

comment Bình luận