Quảng Ngãi: Triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2024

Sáng 14/5, ông Trần Phước Hiền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chủ trì hội nghị triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) năm 2024.
13:20 | 15/05/2024

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp toàn tỉnh là 332.889 ha, trong đó diện tích có rừng là 264.907 ha, bao gồm: 106.712 ha rừng tự nhiên và 158.195 ha rừng trồng. Tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt 52,33% (kể cả cây trồng phân tán).

Trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ cháy rừng trồng, với tổng diện tích thiệt hại 6,8 ha. Trong 4 tháng đầu năm 2024, xảy ra 3 vụ cháy rừng trồng với tổng diện tích thiệt hại 10,4 ha.

Tình hình nắng nóng kéo dài diễn ra trên diễn rộng, cùng với sự bất cẩn của người dân trong việc đốt nương làm rẫy, đốt dọn thực bì, sử dụng lửa trong rừng, gần rừng là những nguyên nhân chính của các vụ cháy rừng.

Hội nghị triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2024

Hội nghị triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2024

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, năm 2024, nắng nóng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Trong tháng 4/2024, khu vực tỉnh nắng nóng gay gắt kéo dài, trong đó ngày 26/4 khu vực vùng núi Ba Tơ đã xuất hiện nhiệt độ cao nhất là 41,8 độ C, xác lập giá trị cao nhất lịch sử trong chuỗi số liệu theo dõi từ năm 1980 đến nay.

Tại hội nghị, các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan đã đánh giá, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong công tác PCCCR; những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện công tác phối kết hợp giữa các đơn vị, chủ rừng; đề xuất, kiến nghị các giải pháp cụ thể để thực hiện tốt công tác PCCCR trong thời gian tới.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền nhấn mạnh, ngay từ đầu mùa khô năm nay, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo chủ động triển khai công tác PCCCR; các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan xác định công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và lực lượng kiểm lâm là nòng cốt trong tham mưu, tổ chức thực hiện công tác PCCCR trên địa bàn tỉnh. Các Ban Quản lý rừng, chủ rừng chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng đối với diện tích rừng được giao, được cho thuê.

2

Phó Chủ tịch UBND tỉnh UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhất là trong thời kỳ cao điểm về nắng, nóng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về PCCCR từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong suốt thời kỳ cao điểm về cháy rừng.

Rà soát, xây dựng, tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án PCCCR; tăng cường phối hợp giữa các lực lượng (Bộ đội, Công an, Kiểm lâm, Dân quân tự vệ,..) trong công tác PCCCR. Đối với các vụ cháy rừng xảy ra gây thiệt hại lớn về tài nguyên rừng, cần điều tra xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nhằm giáo dục, phòng ngừa và răn đe.

Tăng cường công tác tập huấn, huấn luyện về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật PCCCR, kỹ năng an toàn trong công tác chữa cháy rừng; đầu tư phương tiện, thiết bị, dụng cụ PCCCR chuyên dụng đảm bảo hoạt động hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR.

Tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về PCCCR; kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao; nghiêm cấm mọi hành vi sử dụng lửa trong, gần rừng và đốt, xử lý thực bì trồng rừng, đốt nương làm rẫy trong những ngày nắng nóng, cấp dự báo cháy rừng ở cấp nguy hiểm và cấp cực kỳ nguy hiểm.

P.V

comment Bình luận