Quảng Ngãi: Tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản 6709/UBND-KTN chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương, tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm (CGC) trên địa bàn tỉnh.
15:10 | 16/12/2024

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh CGC, hạn chế thấp nhất vi rút CGC lây lan và gây tử vong cho người, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã và thành phố khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các giải pháp phòng,chống bệnh CGC. Tập trung rà soát, tổ chức tiêm phòng vắc xin CGC phòng bệnh cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn có nguy cơ; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới phát sinh và chưa được tiêm phòng.

Hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi đảm bảo vệ sinh phòng bệnh; thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất để tiêu diệt mầm bệnh; tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng bệnh CGC cho đàn gia cầm.

Bố trí nguồn lực triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2025 của địa phương; chủ động về nguồn ngân sách dự phòng của địa phương hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh CGC, đặc biệt là công tác tiêm phòng; có kế hoạch dự phòng kinh phí, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ, hoá chất, vôi bột, vắc xin,... để chủ động ứng phó kịp thời bao vây dập tắt các ổ dịch ngay khi mới xảy ra trong diện hẹp; đồng thời, rà soát, củng cố và bố trí đầy đủ lực lượng chuyên môn thú y các cấp đảm bảo đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Tổ chức tuyên truyền sâu rộng cho người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh CGC, như: Chủ động giám sát gia cầm bị bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; không buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác gia cầm, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm; không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch; sử dụng thịt gia cầm phải nấu chín, không ăn tiết canh; không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm... Xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định pháp luật về thú và để lây lan dịch bệnh và xử lý trách nhiệm cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Quyết định số 767/KH-UBND ngày 4/6/2019, Công văn số 3519/UBND-KTN ngày 4/7/2024 và các giải pháp được đề xuất tại kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi năm 2025.

Hướng dẫn các địa phương tăng cường quản lý, giám sát chặt tình hình dịch bệnh CGC trên địa bàn; tổ chức tiêm phòng vắc xin cúm cho đàn gia cầm; chủ động lấy mẫu giám sát trên các loài động vật mẫn cảm, động vật hoang dã bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan trên nhiều loài động vật, lây lan sang con người.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sở Y tế tăng cường chỉ đạo, giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm CGC A/H5 và các loại CGC khác trên người để cách ly, chủ động giám sát tại cộng đồng, khoanh vùng xử lý triệt để, không để dịch lây lan; sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân, đảm bảo đủ trang thiết bị y tế, thuốc và hóa chất thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch ở các tuyến; khuyến cáo người dân về các biện pháp phòng, chống dịch CGC lây từ gia cầm sang người.

Sở Công Thương tuyên truyền, hướng dẫn cho các tiểu thương kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm tại chợ, các trung tâm thương mại, siêu thị, cơ sở kinh doanh chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch theo đúng quy định.

Sở Tài chính chủ động tham mưu UBND tỉnh xem xét, cân đối nguồn kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch CGC trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, đơn vị và địa phương theo quy định, đảm bảo các hoạt động phòng, chống dịch được triển khai có hiệu quả.

Cục Quản lý thị trường (cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Hải Quan tỉnh và Sở Giao thông vận tải theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan triển khai các giải pháp ngăn chặn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc trên địa bàn tỉnh; phối hợp và chủ động chia sẻ thông tin, dữ liệu với các cơ quan thú y các cấp để tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định.

Công an tỉnh chỉ đạo các phòng ban, đơn vị chủ động nắm tình hình và triển khai các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh nhập khẩu, vận chuyển, giết mổ gia cầm không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người và động vật.

Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Quảng Ngãi chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng về tính chất nguy hiểm của bệnh CGC, nguyên nhân, biện pháp phòng, chống dịch bệnh; cơ chế chính sách hỗ trợ và chế tài xử lý các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh.

D.L

comment Bình luận