Phát triển Bà Rịa – Vũng Tàu thành trung tâm du lịch của vùng Đông Nam Bộ

Tính tới nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 132 dự án với tổng diện tích là 2.966 ha, tổng vốn đầu tư là 57.641 tỷ đồng và 8.927 triệu USD, bao gồm 116 dự án đầu tư trong nước, 16 dự án đầu tư nước ngoài. Trong đó có 51 dự án đã hoàn thành và đưa vào hoạt động.
12:33 | 22/12/2023

Tiềm năng phát triển du lịch mạnh mẽ

Sáng 22/12, tại Hội nghi xúc tiến Du lịch vùng Đông Nam Bộ năm 2023, ông Trịnh Hàng - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, mạnh về kinh tế biển bao gồm phát triển công nghiệp hiện đại, thân thiện với môi trường; trung tâm cảng biển lớn nhất của Việt Nam, đảm nhận vai trò là cảng trung chuyển cho cả khu vực lưu vực sông Mê Kông; trung tâm dịch vụ hậu cần cảng; vùng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đặc biệt là trung tâm du lịch của khu vực nói riêng và của Việt Nam nói chung, đang vươn ra tầm quốc tế.

Ông Trịnh Hàng Giám đốc sở du lịch tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu phát biểu tại hội nghị

Ông Trịnh Hàng Giám đốc sở du lịch tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu phát biểu tại hội nghị

Về tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn phục vụ du lịch, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có hơn 305 km chiều dài bờ biển, có núi, sông, rừng nguyên sinh, rừng ngập mặn Ramsa, có huyện Côn Đảo là một huyện đảo với 16 hòn đảo lớn nhỏ nằm sát đường hàng hải quốc tế tạo nên tiềm năng du lịch biển khá phong phú; hệ sinh thái biển và ven biển độc đáo, đa dạng; có suối nước nóng Bình Châu với nhiệt độ cao nhất lên đến 80 độ C thích hợp cho nhu cầu chữa bệnh, nghỉ dưỡng; có nhiều núi với địa hình và cảnh quan đẹp; có 1 di tích lịch sử Quốc gia cấp đặc biệt (di tích nhà tù Côn Đảo), 28 di tích lịch sử cấp quốc gia, 20 di tích lịch sử cấp tỉnh và nhiều di tích lịch sử về tâm linh.

Bên cạnh đó, có các làng nghề truyền thống như làm tranh sơn mài, đúc đồng, làm bánh tráng, nấu rượu, sản phẩm chế biến từ thủy sản của làng cá Phước Hải,… kết hợp với thực hiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao tạo ra sản phẩm từ nông nghiệp như socola ca cao, rượu ca cao, trà lekima, nấm linh chi, tiêu Bầu Mây,… góp phần thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng gắn với các làng nghề truyền thống của tỉnh.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist phát biểu tại hội nghị

Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist phát biểu tại hội nghị

Trên địa bàn tỉnh có 1.509 cơ sở lưu trú kinh doanh phục vụ khách du lịch trên 30.623 phòng. Trong đó, có 89 cơ sở lưu trú được phân loại xếp hạng từ 1 đến 5 sao với 8.522 phòng; có 45 đơn vị lữ hành đang hoạt động, trong đó có 23 đơn vị lữ hành quốc tế, 22 đơn vị lữ hành nội địa. Các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng đón tiếp du khách tham quan, trải nghiệm ngày càng nhiều. Các cơ sở dịch vụ, trung tâm mua sắm đa dạng và phong phú về sản phẩm, nâng cao được chất lượng phục vụ. Đặc biệt, nhờ tính đa dạng vùng miền của cộng đồng dân cư, nên Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có hệ thống các nhà hàng, quán ăn đặc sản mang hương vị của nhiều vùng miền trên cả nước.

“Với những lợi thế, tiềm năng trên, Bà Rịa - Vũng Tàu là nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển thành trung tâm du lịch lớn vùng Đông Nam Bộ, cũng như của cả nước và quốc tế. Vì vậy, nhiều năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để đầu tư các công trình hạ tầng quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển du lịch” - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhấn mạnh.

Các đại biểu tham luận tại hội nghị

Các đại biểu tham luận tại hội nghị

Tập trung phát triển du lịch theo 5 cụm

Cụm du lịch thành phố Vũng Tàu và vùng phụ cận (Long Sơn, Gò Găng): Phát triển các sản phẩm du lịch thương mại, công vụ, hội nghị - hội thảo (MICE); nghỉ dưỡng biển; vui chơi giải trí gắn liền với tài nguyên biển; du lịch văn hóa gắn liền với di tích lịch sử, công trình kiến trúc văn hóa, danh lam thắng cảnh và tâm linh, với diện tích trên 15.000 ha, trong đó quỹ đất cho các khu du lịch tập trung cho ven biển khoảng 1.600 ha.

Cụm du lịch Long Hải - Phước Hải và vùng phụ cận: Phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp; du lịch thể thao biển và núi, thể thao tổng hợp; du lịch làng nghề và du lịch sinh thái, với diện tích khoảng 1.100 ha, trong đó nhu cầu đất phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch 500 ha và đất tham quan là 200 ha, định hướng tổng nhu cầu đất phát triển du lịch là 700 ha. 

Cụm du lịch thành phố Bà Rịa - Núi Dinh và vùng phụ cận (Phú Mỹ, Châu Đức): Phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái và tâm linh gắn với núi Dinh; du lịch vui chơi giải trí; du lịch cộng đồng; du lịch kết hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; diện tích đất dự kiến khoảng trên 3.000 ha.

Cụm du lịch Hồ Tràm - Bình Châu: Phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng gắn liền với biển và sinh thái rừng, du lịch vui chơi giải trí cao cấp, du lịch chữa bệnh và dịch vụ sức khỏe, với quỹ đất dành cho phát triển du lịch khu vực trên 5.000 ha, trong đó đất cho phát triển du lịch cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch khoảng 760 ha và đất tham quan là 200 ha, tổng nhu cầu đất phát triển trực tiếp cho du lịch 860 ha.

Cụm du lịch huyện Côn Đảo: Phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch trên cơ sở các giá trị đặc trưng của văn hóa, lịch sử và thiên nhiên Côn Đảo. Chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch chính như: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển; thăm quan đảo; trải nghiệm di sản thiên nhiên và tìm hiểu giá trị lịch sử - văn hóa - tâm linh.

Ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phát biểu kết luận hội nghị

Ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phát biểu kết luận hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ gồm TP. HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Tây Ninh là một hoạt động ý nghĩa trong việc phát triển du lịch chung của cả nước, góp phần phát huy tối đa tài nguyên du lịch của từng địa phương, khai thác nguồn lực hợp lý, tạo động lực phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cộng đồng dân cư các địa phương.

Bên cạnh đó, thông qua hoạt động hợp tác phát triển du lịch 6 tỉnh vùng Đông Nam Bộ, công tác xúc tiến, quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước con người và phong tục tập quán của từng địa phương đến với du khách trong và ngoài nước nhằm mở rộng và phát triển thị trường được đẩy mạnh hơn, tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội trong và ngoài khu vực liên kết nhằm thúc đẩy phát triển du lịch. Đồng thời, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch các tỉnh trong chương trình liên kết tìm kiếm đối tác để xây dựng, khai thác và phát triển sản phẩm du lịch.

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đánh giá cao sự chủ động của các địa phương trong vùng, nhất là TP. HCM trong việc chủ động liên kết gửi khách đến các địa phương và khu vực khác trong cả nước. Hy vọng trong thời gian tới, du lịch vùng Đông Nam Bộ và TP. HCM tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong việc điều phối khách và gửi khách đến các địa phương trong cả nước, đồng thời tăng cường liên kết không chỉ thu hút khách đến với vùng mà còn đưa khách đến với các khu vực khác trong cả nước.

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu phó giám đốc sở du lịch TP Hồ Chí Minh phát biểu và bế mạc hội nghị

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu phó giám đốc sở du lịch TP Hồ Chí Minh phát biểu và bế mạc hội nghị

Tại hội nghị, đại diện các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện các Sở Du lịch các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ cùng thảo luận, làm rõ để đề ra những giải pháp xúc tiến hiệu quả các sản phẩm dịch vụ của khu vực Đông Nam Bộ đến với khách du lịch trong thời gian tới, tăng cường liên kết để xúc tiến hiệu quả các sản phẩm dịch vụ của vùng du lịch Đông Nam Bộ đến với khách du lịch trong và ngoài nước.

Bảo Bình - Trần Cường

 
comment Bình luận