Ngành giáo dục Đồng Tháp đẩy mạnh chuyển đổi số

Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin đã trở thành xu hướng, yêu cầu tất yếu của sự phát triển trong giai đoạn hiện nay. Giáo dục là một trong03 lĩnh vực trọng tâm được tỉnh Đồng Tháp đẩy mạnh chuyển đổi số, nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập, quản lý và góp phần nâng cao chất lượng trong các hoạt động giáo dục.
16:25 | 22/11/2024

Chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục của tỉnh đạt được những kết quả quan trọng, đặc biệt là đầu tư về hạ tầng và triển khai đồng bộ các chương trình giảng dạy trực tuyến, giáo dục STEM, quản trị số.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 100% cơ sở giáo dục (597/597) đã được trang bị đường truyền internet tốc độ cao phục vụ cho công tác giảng dạy; hơn 210.000 học sinh và 14.000 giáo viên (chiếm khoảng 75%) có đủ phương tiện tham gia học trực tuyến. Toàn tỉnh có 546 cơ sở giáo dục triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, đạt tỉ lệ 91,46%; 100% các cơ sở giáo dục hoàn thiện mô hình quản trị số, hoạt động số và chuẩn hóa kho học liệu số, xây dựng được học liệu số phục vụ nội bộ và kho học liệu số chia sẻ toàn ngành,…

Bên cạnh đó, hệ thống dạy học trực tuyến và chương trình giảng dạy số hóa được tích cực duy trì cho 100% các cơ sở giáo dục phổ thông, đáp ứng mục tiêu đưa công nghệ số vào giảng dạy. Đây là nền tảng quan trọng giúp học sinh tiếp cận và phát triển kỹ năng số trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia.

Ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp tham gia ngày hội STEM cùng các em học sinh trên địa bàn TP. Hồng Ngự nhân ngày khai giảng năm học 2024 - 2025

Ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp tham gia ngày hội STEM cùng các em học sinh trên địa bàn TP. Hồng Ngự nhân ngày khai giảng năm học 2024 - 2025

Song song đó, các mô hình giáo dục STEM cũng được triển khai đến cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông và mang lại nhiều kết quả tích cực. Theo đó, toàn tỉnh có trên 50% học sinh, với 216.445 em tham gia học tập theo mô hình STEM, với hơn 33.500 tiết học và 4.300 hoạt động trải nghiệm STEM được tổ chức. Đặc biệt, có hơn 1.300 dự án nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh thực hiện, khơi dậy tiềm năng, tinh thần sáng tạo và nghiên cứu trong học sinh.

Việc áp dụng học bạ điện tử, sổ điểm điện tử, kho học liệu số,... đã cải thiện đáng kể khả năng quản lý, theo dõi tiến độ học tập của học sinh. Mô hình giảng dạy tích hợp công nghệ thông tin cũng mang lại nhiều hiệu quả, các em học sinh được phát triển kỹ năng tư duy và sáng tạo, giáo viên có nhiều thời gian dành cho chuyên môn và quản lý lớp học.

Đối với công tác chuyển chuyển đổi số trong quản lý hành chính và cung cấp dịch vụ công của ngành Giáo dục và Đào tạo cũng được chú trọng, toàn bộ thủ tục hành chính đủ điều kiện đều được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, đáp ứng hiệu quả nhu cầu của người dân nâng mức độ hài lòng của các tổ chức đạt 99,95%, vượt chỉ tiêu đề ra.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 12.888 cán bộ quản lý, giáo viên được trang bị chữ ký số, phục vụ hiệu quả cho việc xử lý văn bản, ký học bạ điện tử và thực hiện các hoạt động quản trị số. Đặc biệt, 100% các hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ tại các cơ sở giáo dục đều được triển khai trên nền tảng số, tạo nên nền tảng vững chắc cho công cuộc chuyển đổi số toàn diện trong ngành giáo dục.

Những thành tựu nổi bật này đã giúp ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp không chỉ nâng cao chất lượng giảng dạy mà còn mở ra cơ hội tiếp cận môi trường giáo dục hiện đại cho học sinh, giáo viên và phụ huynh, trở thành bước tiến quan trọng, trong xu hướng công nghệ số và nhu cầu hội nhập trong bối cảnh hiện nay.

Giảng dạy số hóa được áp dụng tại Trường Trung học cơ sở Kim Hồng, TP. Cao Lãnh

Giảng dạy số hóa được áp dụng tại Trường Trung học cơ sở Kim Hồng, TP. Cao Lãnh

Trong thời gian tới, Đồng Tháp tập trung hoàn thiện nền tảng dạy học trực tuyến tích hợp kho học liệu số, đáp ứng 100% nhu cầu học tập và giảng dạy trực tuyến, đồng thời liên thông dữ liệu toàn ngành với trung tâm giám sát điều hành của tỉnh.

Cùng với đó, tập trung đầu tư, nâng cấp hạ tầng và thiết bị công nghệ, phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số hoạt động dạy, học, kiểm tra và nghiên cứu khoa học; đổi mới mô hình, phát triển kho học liệu số chia sẻ dùng chung; đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo và nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ cho cán bộ quản lý.

Những nỗ lực này sẽ không chỉ là nền tảng để nâng cao chất lượng giáo dục mà còn là bước đệm vững chắc đề ngành giáo dục Đất Sen hồng hướng đến một nền giáo dục hiện đại, hội nhập và bền vững.

Phước Thành

comment Bình luận