Nâng cao trách nhiệm tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Việc đẩy mạnh xã hội hoá, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được các bộ ngành tích cực vào cuộc.
15:34 | 25/11/2024

Đẩy mạnh xã hội hoá trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương vừa có báo cáo về kết quả 3 năm triển khai Chỉ thị 30 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trong đó, báo cáo nhìn nhận việc đẩy mạnh xã hội hoá, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được các bộ ngành tích cực vào cuộc.

Về kết quả triển khai, Bộ Công Thương đã có Quyết định số 48/QĐ-BCT về việc phê duyệt chương trình doanh nghiệp vì người tiêu dùng giai đoạn 2021 - 2025; tiếp tục vận hành, xây dựng hệ thống tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838; ban hành đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2021 - 2025; phối hợp với các bộ ngành và địa phương tiến hành tổng kết các chương trình bảo vệ quyền lơi người tiêu dùng giai đoạn 2016 - 2021…

Bộ Công Thương (Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia) cũng đã hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn cũng như đẩy mạnh các hoạt động nhằm thực thi Luật Cạnh tranh; xây dựng cơ chế hỗ trợ hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo đó, thông qua các hội nghị tuyên truyền, tọa đàm về triển khai thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã lồng ghép các nội dung của Chỉ thị 03-CT/TW để tuyên truyền tới cấp ủy, chính quyền, cán bộ mặt trận, các đoàn thể, hội viên, đoàn viên.

Mặt trận cũng khuyến khích, động viên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước công khai, minh bạch hóa các thông tin liên quan đến tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, hàng hóa; xây dựng các mô hình hàng giả, hàng thật; các cửa hàng giới thiệu sản phẩm để người tiêu dùng dễ tiếp cận, cũng như nâng cao khả năng tự bảo vệ.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với các cơ quan tuyên truyền để doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong việc nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học và công nghệ tạo ra sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có sức cạnh tranh; xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, gắn trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Điển hình là các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam được vinh danh, trao giải thưởng về sản phẩm, thương hiệu do các bộ, ngành và các địa phương trao đã không ngừng nâng cao tiêu chí về sản xuất, chất lượng dịch vụ để giữ thương hiệu Việt.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Báo cáo cũng nêu rõ, 48/53 địa phương đã gửi báo cáo cho Bộ Công Thương đã ban hành kế hoạch, chương trình hành động nhằm gắn trách nhiệm của doanh nghiệp với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như hỗ trợ tạo điều kiện cho hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cụ thể là xây dựng bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương tỉnh năm 2020; tổ chức sự kiện ngày hội sản phẩm, hàng hóa vì người tiêu dùng; tổ chức "Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020"; Sở Công Thương ban hành kế hoạch,… phối hợp hỗ trợ đẩy mạnh phân phối hàng hóa của doanh nghiệp Việt lên các sàn thương mại điện tử; triển khai hoạt động tổng kết hoạt động của Hội Bảo vệ người tiêu dùng.

Ngoài ra, triển khai các hoạt động đầu tư, xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, hội chợ, tọa đàm, hội thảo… thu hút đông đảo doanh nghiệp và người tiêu dùng tham gia; Hội Bảo vệ người tiêu dùng và các Hội Phụ nữ, nông dân, trung tâm trợ giúp pháp lý,… tổ chức lớp tập huấn cho các hội viên về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Để thúc đẩy môi trường cạnh tranh lành mạnh, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03/2023/NĐ-CP ngày 10/2/2023 quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Việc ra đời của cơ quan này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đối với tầm quan trọng của việc tạo lập và duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh tại Việt Nam trong thời gian tới.

Chính phủ đã tạo điều kiện cho việc thành lập mới các tổ chức xã hội về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, kết quả 55/63 hội cấp tỉnh và 1 hội hoạt động trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, hiện nay các hội đang gặp khó khăn trong về điều kiện cơ sở vật chất và tài chính cho các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tích cực hội nhập quốc tế trong bảo vệ người tiêu dùng

Báo cáo cũng đánh giá các cơ quan đã chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trong các hoạt động hợp tác về bảo vệ người tiêu dùng trong khuôn khổ ASEAN và quốc tế.

Ví dụ, Bộ Công Thương đã rất tích cực tham gia các hoạt động của Ủy ban Bảo vệ người tiêu dùng ASEAN (ACCP) và tham gia mạng lưới thực thi pháp luật bảo vệ người tiêu dùng quốc tế ICPEN.

Trong đó tập trung xử lý các vấn đề như giải quyết tranh chấp người tiêu dùng xuyên biên giới; thu hồi sản phẩm có khuyết tật xuyên biên giới.

Bộ Ngoại giao tích cực phối hợp với Bộ Công Thương trong việc đóng góp vào các sáng kiến, nỗ lực của ASEAN trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Các địa phương cũng đều tích cực tuyên truyền cho các cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong đơn vị mình về ý nghĩa, tầm quan trọng của hội nhập kinh tế quốc tế.

Tiêu biểu là các địa phương như: Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu,… đã có các văn bản chỉ đạo các đơn vị trong tỉnh thường xuyên duy trì và phát huy cơ chế phối hợp với tỉnh Vân Nam Trung Quốc để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, giám sát hàng hóa góp phần đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều hoạt động hợp tác trọng tâm là hợp tác với khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây nhằm tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, đảm bảo công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiệu quả chặt chẽ.

Quang Nhân

comment Bình luận