Long An: Chăm sóc sức khỏe trẻ em nhằm giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi

Theo báo cáo của Sở Y tế, năm 2023 ghi nhận 25 trường hợp trẻ từ 0 đến 5 tuổi tử vong; trong 6 tháng đầu năm 2024 ghi nhận 13 trường hợp trẻ từ 0 đến 5 tuổi tử vong.
10:35 | 29/07/2024

Số phụ nữ có thai bị thai chết lưu năm 2023 là 16 trường hợp; 6 tháng đầu năm 2024 ghi nhận 6 trường hợp. Số phụ nữ có thai được quản lý, chăm sóc sức khỏe thai kỳ năm 2023 là 15.638 thai phụ, 6 tháng đầu năm 2024 quản lý được 7.700 thai phụ. Mặc dù số thai phụ được quản lý cao, nhưng vẫn còn tình trạng thai chết lưu và tỷ lệ trẻ tử vong trong độ tuổi từ 0 đến 5 tuổi trên địa bàn tỉnh vẫn còn cao.

Thực hiện Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường chăm sóc sức khỏe trẻ em nhằm giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi, Chủ tịch UBND tỉnh – Nguyễn Văn Út đã ký ban hành Chỉ thị yêu cầu thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố huy động mọi nguồn lực, phối hợp triển khai các giải pháp quyết liệt và hiệu quả nhằm tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em, giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn, trong đó chú trọng các giải pháp đảm bảo tăng cường thực hiện công tác sàng lọc trước sinh và sơ sinh; công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; tăng cường tiêm chủng vắc-xin, vệ sinh phòng bệnh, tăng cường vi chất dinh dưỡng... cho trẻ em. Đẩy mạnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe trẻ em, giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi.

UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1494/QĐ-TTg ngày 10/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình “Can thiệp giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đến năm 2030”. Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có khoa sản, nhi thực hiện củng cố, nâng cao năng lực xử trí cấp cứu và hồi sức sơ sinh; thực hiện rộng rãi các can thiệp chuyên môn về chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ thường, đẻ mổ, chăm sóc trẻ bằng phương pháp Kangaroo theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.

Chăm sóc sức khỏe trẻ em nhằm giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi

Chăm sóc sức khỏe trẻ em nhằm giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi

Tăng cường triển khai khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em; sử dụng rộng rãi, hiệu quả sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em; kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, kết nối các nền tảng cơ sở dữ liệu về sức khỏe để quản lý hiệu quả sức khỏe trẻ em. Tăng cường phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi; triển khai áp dụng xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng đối với phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú và trẻ em từ 7 tháng đến 60 tháng tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 4976/QĐ-BYT ngày 30/11/2020. Tăng cường triển khai thực hiện an toàn, hiệu quả công tác tiêm chủng các loại vắc-xin phòng bệnh cho các đối tượng thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng. Tăng cường giám sát các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập, ngoài công lập trên địa bàn trong việc đảm bảo thực hiện hiệu quả các giải pháp, các can thiệp chuyên môn về chăm sóc, cấp cứu sơ sinh, chăm sóc sức khỏe trẻ em.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe trẻ em, giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi.

Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Thiết lập, vận hành đường dây nóng hội chẩn về sản khoa, nhi khoa trong xử trí cấp cứu, hồi sức sơ sinh, trẻ em tại bệnh viện và cấp cứu ngoại viện theo hướng nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả; chú trọng cấp cứu ngạt sơ sinh, hồi sức sơ sinh tại phòng sinh; xây dựng quy trình chuyển tuyến, hội chẩn trực tuyến hiệu quả; áp dụng triển khai chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ thường, đẻ mổ và chăm sóc trẻ sơ sinh bằng phương pháp Kangaroo, đảm bảo đúng quy định, kịp thời và hiệu quả theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế; duy trì, đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện chăm sóc và điều trị trẻ sơ sinh theo các cấp khám bệnh, chữa bệnh hiệu quả; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát chuyên môn, chỉ đạo tuyến, chuyển giao hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới về chuyên ngành sơ sinh, nhi khoa; tăng cường tổ chức các lớp tập huấn cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn kỹ thuật về cấp cứu, hồi sức sơ sinh, kỹ năng thực hiện các can thiệp chuyên môn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

T.H.

comment Bình luận