Lâm Đồng: Tăng cường sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả tại sở khám, chữa bệnh

Vừa qua, Sở Y tế Lâm Đồng ban hành công văn số 3887/SYT-NVD, nhằm tăng cường công tác khám bệnh, chữa bệnh và bảo đảm sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và hiệu quả tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
15:32 | 13/12/2023

Cụ thể, Sở Y tế Lâm Đồng yêu cầu các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, quy trình kỹ thuật và các hướng dẫn chuyên môn trong chẩn đoán, điều trị, thực hiện kỹ thuật và kê đơn thuốc tại cơ sở theo quy định. Tiếp tục quán triệt việc triển khai thực hiện nghiêm các quy định về kê đơn và sử dụng thuốc của Bộ Y tế; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm thực hiện lộ trình kê đơn điện tử theo quy định của Bộ Y tế.

Tăng cường công tác quản lý kê đơn thuốc tại đơn vị: Chỉ được kê đơn thuốc sau khi đã có kết quả khám bệnh, chẩn đoán bệnh, kê đơn thuốc phù hợp với chẩn đoán bệnh và mức độ bệnh, phải đạt được mục tiêu an toàn, hợp lý và hiệu quả; hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của cơ sở khám, chữa bệnh xây dựng theo quy định tại điều 6 Thông tư số 23/2011/TT-BYT ngày 10/6/2011; tờ hướng dẫn sử dụng thuốc đi kèm với thuốc đã được phép lưu hành; Dược thư quốc gia Việt Nam; ưu tiên kê đơn thuốc dạng đơn chất hoặc thuốc Generic.

Việc kê đơn thuốc phải phù hợp với hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hoặc hướng dẫn điều trị và chăm sóc HIV/AIDS do Bộ Y tế ban hành hoặc công nhận.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Xây dựng danh mục thuốc tại đơn vị: Thực hiện xây dựng danh mục thuốc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Thông tư số 21/2013/TT-BYT ngày 8/8/2013 của Bộ Y tế quy định về tổ chức và hoạt động của hội đồng thuốc và điều trị trong bệnh viện, cụ thể như sau: Bảo đảm phù hợp với mô hình bệnh tật và chi phí về thuốc sử dụng trong bệnh viện; phù hợp về phân tuyến chuyên môn kỹ thuật; căn cứ vào các hướng dẫn hoặc phác đồ điều trị đã được xây dựng và áp dụng tại bệnh viện hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; đáp ứng với các phương pháp mới, kỹ thuật mới trong khám bệnh, chữa bệnh; phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của bệnh viện; phù hợp với các danh mục thuốc do Bộ Y tế ban hành; ưu tiên thuốc sản xuất trong nước; ưu tiên lựa chọn thuốc Generic hoặc thuốc mang tên chung quốc tế, hạn chế thuốc biệt dược.

Tăng cường công tác dược lâm sàng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có hoạt động sử dụng thuốc: Tư vấn xây dựng các danh mục thuốc đảm bảo an toàn, hợp lý và hiệu quả; tư vấn, giám sát kê đơn trong sử dụng thuốc; thông tin hướng dẫn sử dụng thuốc cho người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người sử dụng thuốc và cộng đồng; phân tích, đánh giá hiệu quả sử dụng thuốc tại cơ sở; nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị định số 131/2020/NĐ-CP ngày 02/11/2020 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động dược lâm sàng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Thực hiện giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại đơn vị theo Hướng dẫn của Bộ Y tế.

Căn cứ vào “Danh mục Tương tác thuốc chống chỉ định trong thực hành lâm sàng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” được ban hành theo Quyết định số 5948/QĐ-BYT ngày 30/12/2021 và tùy theo điều kiện thực tế, tổ chức triển khai hoạt động quản lý tương tác thuốc tại cơ sở.

Bảo đảm phát huy vai trò của hội đồng thuốc và điều trị trong triển khai các vấn đề liên quan đến thuốc và điều trị bằng thuốc của bệnh viện, thực hiện tốt chính sách quốc gia về thuốc trong bệnh viện, bao gồm: Xây dựng các quy định về quản lý và sử dụng thuốc; xây dựng danh mục thuốc; xây dựng và thực hiện các hướng dẫn điều trị; xác định và phân tích các vấn đề liên quan đến sử dụng thuốc; giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) và các sai sót trong điều trị; thông báo, kiểm soát thông tin về thuốc.

Thái Tuyền

 
comment Bình luận