‘Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng’

Đó là chủ đề năm học 2024 – 2025 được ngành giáo dục xác định với 12 nhiệm vụ trọng tâm.
7:21 | 20/08/2024

Ngày 19/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023 – 2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu chính Hà Nội với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hội nghị tổng kết năm học 2023 – 2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Hội nghị tổng kết năm học 2023 – 2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Năm học 2023 - 2024 đánh dấu 10 năm toàn ngành giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, toàn ngành giáo dục đã nỗ lực, cố gắng đạt được nhiều kết quả đáng tự hào.

Cùng với tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, ngành giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết 29; tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các nghị định, nghị quyết, đề án, kế hoạch về phát triển giáo dục, đào tạo; đang tích cực hoàn thiện Dự án Luật Nhà giáo.

Công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và xoá mù chữ tiếp tục được các địa phương quan tâm; mạng lưới, quy mô trường, lớp tiếp tục được đầu tư; các địa phương thực hiện rà soát, dồn dịch điểm trường lẻ, sát nhập trường có quy mô nhỏ để tập trung đầu tư, bảo đảm chất lượng giáo dục; quan tâm đầu tư mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học phục vụ yêu cầu triển khai Chương trình Giáo dục mầm non, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng lên. Học sinh Việt Nam tiếp tục đạt nhiều thành tích cao trong các hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế tại Hoa Kỳ; các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế. Tự chủ giáo dục đại học từng bước đi vào thực chất, gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin theo quy định.

Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và trong hoạt động dạy và học, với 100% các cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục từ mầm non, phổ thông, kết nối Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và bảo hiểm. Ngành giáo dục và đào tạo tổ chức thành công các giải thể thao học sinh, sinh viên, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện về đức - trí - thể - mĩ.

Ngành giáo dục xác định chủ đề năm học 2024 - 2025 là "Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng", với 12 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục triển khai, cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục, đào tạo; bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng; phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.

Cùng với đó, toàn ngành giáo dục sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; tăng cường công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đối với cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, nhân viên, học sinh, sinh viên, học viên; nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực; tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân cả nước, nhất là sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục trong việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, tạo bứt phá.

Thủ tướng Chính phủ cho biết, công tác hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển giáo dục đào tạo tiếp tục được quan tâm; quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên phát triển; đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông dần đi vào ổn định, bước đầu đạt được hiệu quả theo mục tiêu đề ra; công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và xoá mù chữ tiếp tục được chú trọng, đạt kết quả toàn diện.

Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được khẳng định; đào tạo giáo dục đại học ngày càng được chú trọng và được cải thiện rõ rệt về chất lượng; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được tiếp tục bổ sung chỉ tiêu biên chế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về số lượng theo quy định; toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin...

Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức của ngành giáo dục, nhất là trong đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tình trạng thiếu giáo viên cục bộ; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ở một số địa phương chưa phù hợp; điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn thiếu; chất lượng đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học chưa đáp ứng yêu cầu...

Chỉ rõ các nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, phân tích về bối cảnh tình hình và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024 - 2025 và thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mang lại những cơ hội thuận lợi, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức mới cho phát triển giáo dục và đào tạo.

Theo Thủ tướng, năm học 2024 - 2025 kết thúc nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII; đồng thời bắt đầu triển khai thực hiện Kết luận 91 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo. Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành giáo dục và đào tạo, các bộ, ngành, địa phương thực hiện 9 nội dung nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới và tổ chức tốt Lễ khai giảng ngày 5/9 sắp tới, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho năm học mới; tập trung tổ chức triển khai Kết luận 91 của Bộ Chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách về đổi mới giáo dục, đào tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục; tổng kết, đánh giá toàn diện việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, cùng các bộ, cơ quan, địa phương chuẩn bị thật kỹ để tổ chức kỳ thi bảo đảm chất lượng, an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, thiết thực, gọn nhẹ, giảm áp lực, tạo thuận lợi nhất cho học sinh.

Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh tự chủ gắn với nâng cao chất lượng đào tạo đại học theo hướng thực chất, đi vào chiều sâu, gắn với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch; tiếp tục tạo môi trường thuận lợi thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo, bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa khu vực công và khu vực tư; thúc đẩy hợp tác công tư; đẩy mạnh giáo dục đào tạo phi lợi nhuận bậc đại học; xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên phù hợp; thực hiện việc tuyển dụng, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên theo biên chế được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên của các cơ sở giáo dục, bảo đảm nguyên tắc "có học sinh phải có giáo viên đứng lớp" và phù hợp thực tiễn.

Cùng với đó, tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục khuyết tật, giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, địa phương lưu ý việc quy hoạch xây dựng, bảo đảm quỹ đất phù hợp để xây dựng trường, lớp học, đáp ứng nhu cầu học tập gắn với xu hướng đô thị hóa, dịch chuyển dân số.

Cao Ánh

comment Bình luận