Kỳ 1: Nestlé – dưỡng chất toàn cầu, lỗi nhìn cục bộ

Khi những lon sữa mang thương hiệu quốc tế Nestlé phủ đầy kệ hàng Việt Nam với lời hứa "tăng đề kháng", "giúp trẻ thông minh hơn", đằng sau đó là cả một chuỗi câu hỏi pháp lý bỏ ngỏ. Chúng tôi không kết luận, mà mời bạn cùng soi chiếu: Liệu Nestlé có đang bước qua ranh giới mong manh giữa quảng bá và quảng cáo sai sự thật?
15:01 | 27/05/2025
1

Nestlé – Tập đoàn dinh dưỡng toàn cầu – hiện diện khắp thị trường Việt Nam với các dòng sản phẩm nổi bật như NAN, Lactogen, MILO, Cerelac, Nutren, MAGGI;… với những lời hứa về sức khỏe, trí tuệ, tiêu hóa được in rõ ràng trên bao bì và quảng bá rầm rộ trên mạng xã hội. Tuy nhiên, khi soi chiếu dưới góc nhìn pháp lý, một loạt dấu hiệu bất thường hiện ra: Nhiều nội dung quảng cáo và ghi nhãn có thể đã vượt quá phạm vi pháp luật cho phép.

Nestlé in công khai các nội dung như “tăng đề kháng”, “giảm nguy cơ tiêu chảy”, “ứng dụng 155 năm nghiên cứu của Nestlé”. Có thể hiểu rằng, đây là những cụm từ nhạy cảm về mặt pháp lý, bởi theo quy định tại Luật Quảng cáo năm 2012 (sửa đổi), Thông tư 09/2015/TT-BYT và Nghị định 38/2021/NĐ-CP, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, và Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi) và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, bất kỳ công dụng nào ảnh hưởng đến sinh lý, đặc biệt với trẻ nhỏ, cần phải có giấy chứng nhận tiêu chuẩn, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm dinh dưỡng sản xuất trong nước; đối với sản phẩm dinh dưỡng nhập khẩu thì phải có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm của cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất và giấy phép lưu hành.

2

Phản biện thường gặp là: Nestlé đã có nghiên cứu quốc tế. Nhưng vấn đề không nằm ở chỗ có nghiên cứu hay không – mà là nghiên cứu đó đã được công khai, thẩm định và phê duyệt tại Việt Nam hay chưa (?). Cho tới thời điểm bài viết này, chúng tôi chưa thấy hồ sơ nào xác nhận nội dung quảng cáo nói trên của sản phẩm NAN được cấp phép tại Việt Nam. Và người tiêu dùng cũng không có bất kỳ công cụ nào để tự kiểm chứng (?).

Tương tự, Lactogen Gold 1-2-3 cũng dùng những cụm từ mang tính tiếp thị như “sữa mát Thụy Sĩ”, “giúp ngủ ngon hơn”, “tiêu hóa tốt hơn”. Các từ ngữ này có thể tạo ấn tượng an toàn, nhẹ nhàng – nhưng xét về pháp lý, lại vi phạm nguyên tắc không được gán ghép công dụng điều trị khi không có bằng chứng khoa học đã được chấp thuận trong nước. “Sữa mát” không phải là khái niệm tồn tại trong bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào tại Việt Nam.

3

Không chỉ trong nhóm sữa trẻ em, các dòng sản phẩm bổ sung dinh dưỡng như Boost Optimum hay Nutren Junior được quảng cáo trên bao bì với hình ảnh bác sĩ áo blouse trắng, phòng thí nghiệm và cụm từ “tăng sức đề kháng cho người bệnh” được thể hiện nổi bật. Điều đó có thể dẫn đến đến sự nhầm lẫn giữa sản phẩm hỗ trợ và thuốc điều trị; đồng thời việc sử dụng hình ảnh này là hành vi sai quy định của pháp luật hiện hành.

Tương tự với Nestlé Nutren Diabetes – một sản phẩm với quảng cáo được in sẵn lời giới thiệu “dành cho người bệnh tiểu đường – thay thế bữa ăn – kiểm soát đường huyết”, sự mờ nhòe giữa thực phẩm và thuốc càng rõ hơn. Các nội dung này thuộc phạm vi công dụng điều trị, và nếu không được công bố, xác nhận, chúng hoàn toàn có thể bị xử phạt theo Điều 52 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023.

4

Không dừng ở bao bì, hệ sinh thái quảng cáo trực tuyến của Nestlé cũng dày đặc các dấu hiệu bất thường: Milo Active-Go được quảng cáo trên TikTok với lời lẽ như “uống MILO khỏe ngay – tăng chiều cao – tập bền liền”; trên Shopee, Cerelac xuất hiện với lời cam kết “bảo vệ miễn dịch đầu đời” mà không dẫn bất kỳ tài liệu khoa học nào; trên Facebook, Nestlé Mom & Me được KOL nhắc đến cùng lời giới thiệu “được chuyên gia Thụy Sĩ khuyên dùng”, nhưng lại không rõ tên chuyên gia, không trích nghiên cứu, không có phép quảng cáo nội dung (?).

Đặc biệt, trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, một loạt sản phẩm “trà giải độc”, “giải rượu” gắn mác Nestlé xuất hiện công khai, được ghi rõ công dụng như thuốc: “giải độc gan”, “giải rượu nhanh”, “thải độc sau nhậu”. Các sản phẩm này không xuất hiện trong danh mục công bố chính thức của Nestlé tại Việt Nam – có dấu hiệu giả mạo. Nhưng câu hỏi đặt ra là: Vì sao vẫn tồn tại công khai? Nestlé đã có hành động gì để bảo vệ thương hiệu, người tiêu dùng và xử lý kênh phân phối?

5

Tuy nhiên, điều chúng tôi đặt ra không phải là kết luận – mà là câu hỏi: Vì sao một thương hiệu toàn cầu như Nestlé lại để tồn tại các rủi ro pháp lý cơ bản đến vậy tại Việt Nam? Phải chăng có sự chủ quan trong nội bộ, hay một niềm tin rằng quy định tại Việt Nam không đủ sức tác động tới một tập đoàn đa quốc gia?

6

Trong kỳ tiếp theo, chúng tôi sẽ thông tin về mối quan hệ quảng bá – tài trợ giữa Nestlé và các KOL, bác sĩ, người nổi tiếng. Liệu ai đã trực tiếp tiếp tay cho các chiến dịch quảng cáo sai lệch? trách nhiệm của họ sẽ nằm ở đâu trong chuỗi pháp lý liên quan?

Ngọc Thành

Từ khóa Từ khóa:
Nestlé KOL
comment Bình luận