Khủng hoảng tuổi lên 2: Hãy cùng con đi qua những ngày sóng gió một cách nhẹ nhàng

Khi bé bắt đầu bước vào tuổi lên 2, bé trải qua một loạt thay đổi về tâm lý, thể chất. Bạn sẽ thấy con thể hiện khát khao được độc lập và muốn thể hiện quyền lực của mình bằng hai từ cửa miệng: "Không" và "Của con"
15:30 | 19/06/2020

Khủng hoảng tuổi lên 2 – câu chuyện chắc chẳng phải của riêng bố mẹ nào. Những em bé 1 tuổi lúc nào cũng như thiên thần, đáng yêu và ngoan ngoãn. Nhưng  khi con vừa sang đến tuổi thứ 2, các ông bố bà mẹ đã phải thay nhau thốt lên rằng:

“Ôi con tôi đã bướng thế này thì lớn lên còn đến mức nào”

“Sao bỗng dưng nó lại như thế nhỉ”,…

Nhưng yên tâm ba mẹ ơi, đó chỉ là khủng hoảng tuổi lên 2.

1. Khủng hoảng tuổi lên 2 – Giai đoạn “KHÔNG”

Đây chắc chắn là giai đoạn rất khó chịu và ức chế đối với các cha mẹ. Tất cả những gì con bạn muốn chỉ là “KHÔNG”.

Con đói không? – Không

Đi ngủ nhé? – Không

Dù bạn có hỏi bất cứ điều gì, câu trả lời của con vẫn rất to và dõng dạc:  “Không”. Và thưa các bậc cha mẹ, giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2 chính thức bắt đầu.

Gia đoạn “Không” chính là giai đoạn con bạn bắt đầu muốn khẳng định mình. Đây không hẳn là một điều gì xấu hay đáng lo ngại mà chỉ là một mốc phát triển trong độ tuổi của con. Ở tuổi này, con nghĩ con có thể tự làm mọi việc và trái hẳn với ý cha mẹ. Bạn sẽ làm gì? Ức chế và đánh con ư? Điều này chẳng giúp ích được gì mà chỉ để lại những tổn thương tâm lý cho con.

2. Đối phó với khủng hoảng tuổi lên 2

- Phớt lờ khi cần thiết:

“Màn diễn” mè nheo, khóc lóc hay giận dữ của bé sẽ tự động chấm dứt khi không có khán giả. Tuy nhiên, nếu bé có những hành động như cắn hay đánh người khác thì bạn cần phải can thiệp. Cần chỉ cho bé biết con có quyền biểu lộ cảm xúc, nhưng không thể bằng cách làm đau người khác.

- Đừng xử lý bằng cách quát mắng con:

Giai đoạn này con thật sự cần cha mẹ nó chuyện với con nhiều hơn. Thay vì cứ quát “Đừng hét lên”, xin hãy nhẹ giọng xuống và giải thích thật từ từ, trẻ sẽ rất vui lòng đáp ứng nếu mình được cư xử và nói chuyện, bàn bạc như một “người lớn”.

- Cố gắng tìm nguyên nhân:

Khi bé mệt, đói, buồn chán hay quá phấn khích, những hành vi quá đà sẽ xảy ra. Đừng vội quở trách con mà hãy tìm nguyên nhân thưc sự đằng sau.

- Giúp con đưa ra các giải pháp thay thế để lựa chọn:

Nói một cách hài hước thì trẻ mới tập đi đôi khi còn bận rộn ngang với những ông CEO của các công ty đa quốc gia. Con còn bận với những cả xúc chưa rõ ràng, với mong muốn thể hiện bản thân của mình nên không có thời gian đưa ra lựa chọn hôm nay ăn gì hay mấy giờ đi ngủ cũng là chuyện hết sức bình thường. Nếu con không thích ăn cháo súp lơ thịt bò, nếu con la hét khi đến giờ ăn thì thay vì quát con “Đừng hét nữa”, hãy thử đưa ra thêm một sự lựa chọn cho các ông CEO “tí hon” : “Vậy quý khách nghĩ sao về món súp bánh mì  sữa?”. Như vậy, giải pháp ở đây là hãy để con thấy mình được coi trọng và đối xử như một người lớn thật sự.

- Khen chê đúng lúc:

Lời khen có tác dụng rất tích cực với trẻ nhỏ. Vì vậy, bạn cần đưa ra lời khen khi bé đã thể hiện thái độ và hành động tốt. Bên cạnh đó, nên dành thời gian trong ngày để chỉ cho bé những hành động chưa tốt và hướng sửa đổi. Không nên quá nặng lời khi nhận xét bé đang làm những gì chưa tốt.

Có vậy mới thấy, dạy con ở tuổi lên 2 cũng là một nghệ thuật và ba mẹ là những nghệ si tài ba trên hành trình chinh phục con. Đừng nản lòng, đây chỉ là một giai đoạn cần đối mặt trong quá trình phát triển của con. Hãy đồng hành, để cùng con lớn khôn từng ngày!

comment Bình luận