Không chủ quan với tình trạng khô mắt

Khô mắt có biểu hiện không nặng, chỉ cảm giác khó chịu khi tiếp xúc với ánh sáng hoặc ra ghèn, không phải tình trạng đau khẩn cấp dẫn đến nhiều ngươi có tâm lý chủ quan, không đi khám bệnh. Khô mắt nếu kéo dài hoặc không được điều trị đúng cách có thể chuyển thành khô mắt mạn tính, dần dần gây giảm thị lực nghiêm trọng.
9:01 | 23/08/2024

Bác sĩ Tạ Thị Vân Anh - Khoa khám, Bệnh viện Mắt Đắk Lắk cho biết: “Khô mắt là tình trạng nước mắt dùng để bôi trơn và bảo vệ mắt vì lý do nào đó bị giảm về chất lượng lẫn số lượng dẫn đến khô mắt. Khô mắt là một tập hợp những bệnh của nước mắt và bề mặt nhãn cầu, hậu quả là gây những triệu chứng khó chịu, rối loạn thị giác và bất ổn định với tổn thương của bề mặt nhãn cầu. Khô mắt có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mọi thành phần nhưng đối tượng có nguy cơ cao là nhân viên văn phòng do ngồi điều hòa nhiều, người sử dụng máy tính, điện thoại, xem ti vi, chơi game thường xuyên, người trên 40 tuổi, phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh, người đeo kính sát tròng, người có bệnh tự miễn, người đã mổ Lasik do cận thị. Ngoài ra, khô mắt còn do các bệnh lý viêm tuyến lệ, viêm thể mi, đái tháo đường, bướu giáp, do thay đổi nội tiết tố trong cơ thể phụ nữ…”.

Mặc dù có nhiều nguyên nhân gây khô mắt, tuy nhiên nguyên nhân hàng đầu và nhiều nhất là do sử dụng máy tính, điện thoại, ti vi vì khi tập trung cao độ vào màn hình máy tính, ti vi hay điện thoại chúng ta sẽ ít chớp mắt hơn, dẫn đến việc nước mắt bị bốc hơi nhanh hơn, mắt không được cấp ẩm đúng mức làm xuất hiện tình trạng khô mắt. Khô mắt không phải là bệnh mà là một hội chứng nên nhất thiết phải được khám bác sĩ chuyên khoa để xác định nguyên nhân chính, yếu tố quan trọng để điều trị khi có các dấu hiệu: Người bệnh luôn cảm giác đôi mắt bỏng rát, khô, mệt mỏi, cộm, xốn, cay, khó nhắm mắt, khó mở, ngứa, đỏ, mỏi, nhức mắt, rối loạn thị lực kéo dài, sợ ánh sáng, đỏ mắt, tăng tiết nhầy, chảy nước mắt… Những biểu hiện thường thấy của chứng khô mắt là nhìn lờ mờ sau khi chớp mắt, chảy nước mắt liên tục, ra ghèn trắng ở 2 hốc mắt…

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Để phòng tránh bệnh khô mắt, những người làm việc nhiều trên máy tính nên uống nhiều nước, tránh ngồi ngay luồng gió bay ra của máy điều hòa và quạt gió, nhắm mắt lại vài giây khoảng 30 phút một lần để nước mắt tráng đều qua giác mạc. Khi phải tiếp xúc với các môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi, chất độc hại như công trường, nhà máy hoặc đi trên đường hãy trang bị cho mình kính râm sẽ giúp bạn hạn chế được các tác nhân gây hại như cát bụi trong không khí, bức xạ tia cực tím,...

Khi thấy mắt có dấu hiệu nhức, mỏi, khô, rát người bệnh nên đến chuyên khoa khám sớm. Không tự ý nhỏ thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Người bệnh có thể tập một số bài tập đơn giản như: Đảo hoặc chớp mắt liên tục, chà xát lòng bàn tay và áp lên mắt, thay đổi cự ly nhìn xa, gần, hay đơn giản chỉ nhắm mắt một lúc… sẽ giúp cơ mắt linh hoạt hơn. Phương pháp massage mắt cũng góp phần làm dịu cơn mỏi mắt sau thời gian tập trung lâu. Sau 30 – 45 phút làm việc, người bệnh có thể dành 5 phút cho các bài tập và massage để lưu thông tuần hoàn máu, xoa dịu căng thẳng, hạn chế tình trạng suy giảm thị lực, nuôi dưỡng đôi mắt khỏe.

Bên cạnh việc thay đổi thói quen và các yếu tố tác động bên ngoài, chăm sóc đôi mắt sáng khỏe từ bên trong với thực đơn ăn uống đủ dưỡng chất và chế độ nghỉ ngơi phù hợp là điều cần thiết. Thực đơn hàng ngày nên ưu tiên bổ sung các thực phẩm tốt cho mắt như cá ngừ, cà rốt, cà chua, các loại rau màu xanh đậm… Ngoài ra, cũng có thể sử dụng thuốc hoặc thực phẩm chức năng bổ mắt theo chỉ định của bác sĩ. Tập thói quen khám mắt định kì ít nhất 1 lần/năm đối với người dưới 40 tuổi và 2 lần/năm đối với người trên 40 tuổi. Việc thăm khám sẽ giúp sớm phát hiện ra các triệu chứng bất thường của mắt và sớm can thiệp.

Mỹ Hạnh

comment Bình luận