Hút thuốc lá nguyên nhân hàng đâu gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là căn bệnh nguy hiểm, có nguy cơ gây tử vong thứ 3 sau tim mạch và đột quỵ. Hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc là mối nguy hiểm gây ra bệnh.
14:12 | 11/10/2023

Theo số liệu điều tra quốc gia năm 2011 về tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở Việt Nam, có đến 4,2% dân số mắc COPD. Tỉ lệ này ngày càng gia tăng do nhiều yếu tố nguy cơ như tiếp xúc với các yếu tố độc hại mà đứng đầu là hút thuốc lá, kế đến là ô nhiễm môi trường. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, chính thói quen hút thuốc lá, thuốc lào và tiếp xúc với khói thuốc là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Người bệnh cần đến cơ sở y tế khi phát hiện có các triệu chứng bất thường (ảnh: Quang Nhật)

Người bệnh cần đến cơ sở y tế khi phát hiện có các triệu chứng bất thường (ảnh: Quang Nhật)

Hút thuốc lá sẽ làm gia tăng tỷ lệ nhiễm trùng đường hô hấp, làm giảm chức năng ở phổi. Ngoài ra, người tiếp xúc với khói thuốc cũng bị ảnh hưởng tới phổi không kém người trực tiếp hút thuốc lá. Vì khi một người hút một điếu thuốc thì chỉ khoảng 15% khói thuốc hít vào cơ thể, 85% khói thuốc còn lại thả vào không khí. Theo thống kê, cứ 4 người chết vì hút thuốc lá thì có 1 người tử vong vì hít phải khói thuốc (hút thuốc lá thụ động).

Tuy COPD là bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong cao nhưng có thể dự phòng và điều trị được. Dấu hiệu đặc trưng của COPD là các triệu chứng hô hấp và tắc nghẽn đường thở. Bệnh có xu thế tiến triển nặng dần và liên quan tới phản ứng viêm bất thường của phổi bởi các phần tử và khí độc hại. Các đợt COPD cấp và bệnh đồng mắc góp phần vào mức độ nặng ở mỗi bệnh nhân.

Theo bác sĩ Châu Đương – Giám đốc bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk, có khoảng 15% người hút thuốc lá sẽ có triệu chứng lâm sàng COPD và 80 - 90% người mắc COPD là nghiện thuốc lá. Hút thuốc lá làm cho các yếu tố nguy cơ khác của bệnh trở nên mạnh hơn. Đặc biệt, những người hút thuốc lá bị ảnh hưởng xấu hơn bởi ô nhiễm môi trường, nhiễm trùng và phơi nhiễm với các chất khói độc so với người không hút thuốc.

COPD ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp có thể gây ra nhiều dấu hiệu và triệu chứng gây khó thở, như ho kéo dài, ho có đàm, bị nhiễm trùng đường hô hấp tái đi tái lại (cúm và cảm lạnh), khó thở (đặc biệt khi gắng sức), cảm giác thắt chặt ở ngực, thở khò khè, mệt mỏi, sốt nhẹ và ớn lạnh. COPD có nguy cơ bị các biến chứng rối loạn nhịp tim, suy tim, cao áp phổi, nhiễm trùng hô hấp.

Bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính được chăm sóc, điều trị tại bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk (ảnh: Quang Nhật)

Bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính được chăm sóc, điều trị tại bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk (ảnh: Quang Nhật)

Tại bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk hiện tại đang quản lý và điều trị cho 322 bệnh nhân COPD. Bác sĩ Châu Đương cho rằng: “Hầu hết các bệnh nhân COPD điều trị tại đây đều có tiền sử hút thuốc lá. Người hút thuốc có tỷ lệ gây tàn phế và tử vong do COPD cao gấp 10 lần so với người không hút thuốc. Không chỉ người hút thuốc lá chủ động mà người hít phải khói thuốc lá do người khác hút cũng có thể tăng nguy cơ COPD. COPD làm suy giảm chức năng hô hấp, hạn chế khả năng hoạt động hàng ngày và làm giảm chất lượng cuộc sống bệnh nhân, nếu bệnh nặng hơn bệnh nhân sẽ bị suy hô hấp và cuối cùng dẫn đến tử vong. Do đó, yêu cầu quan trọng nhất đối với các bệnh nhân COPD là phải bỏ thuốc lá. Bỏ hút thuốc là góp phần vào việc làm giảm nguy cơ, làm chậm các tổn thương ở phổi. Bên cạnh đó, biện pháp sử dụng thuốc, phục hồi chức năng hô hấp,… là bắt buộc để điều trị COPD, kéo dài cuộc sống cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân mắc bệnh COPD”.

Mai Lê

comment Bình luận