Hội thảo 'Các giải pháp để đẩy mạnh sự phát triển Võ thuật cổ truyền Việt Nam'
Hội thảo “Các giải pháp để đẩy mạnh sự phát triển Võ thuật cổ truyền Việt Nam (VCTVN) đến năm 2030”, ngày 3 và 4 tháng 8 năm 2023 đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định. Với hơn 200 đại biểu là Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, các nhà quản lý TDTT, các nhà khoa học lịch sử, thể dục thể thao, các võ sư… Được lựa chọn từ nhiều bài tham luận, Hội thảo đã chọn ra những nội dung sâu sắc và cấp thiết nhất để trình bày và luận bàn nhằm tạo ra kết quả phục vụ cho kế hoạch phát triển Võ thuật cổ truyền Việt Nam trong thời gian tới.
Thông qua Hội thảo, nhiều vấn đề đã được nêu ra và kèm theo các giải pháp sát thực tế được đề suất. Đây được xem là bước tiến lớn của Liên đoàn VCTVN trong tiến trình ổn định, phát triển, hội nhập với phong trào võ thuật quốc tế… Bốn tổ nhóm chuyên môn được các nhà khoa học, chuyên gia, võ sư bàn luận sâu các vấn đề:
- Nhóm Giải pháp về Chính sách và Nhiệm vụ bảo tồn, phát triển VCTVN đến năm 2030.
- Nhóm Giải pháp Tuyên truyền, quảng bá và Hợp tác quốc tế về VCTVN.
- Nhóm Giải pháp về Xây dựng, nâng cao chất lượng phong trào VCTVN.
- Nhóm Giải pháp nâng cao trình độ chuyên môn VCT và Hiệu quả hoạt động của Liên đoàn/Hội VCT.
Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam thành lập năm 1991, đến nay đã trải qua 05 kỳ đại hội và Liên đoàn đang tiếp tục được củng cố về tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động chuyên môn để phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Hiện nay, Võ thuật cổ truyền Việt Nam có ở 58 tỉnh/thành, trong đó có trên 43 tổ chức Hội, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam cấp tỉnh/thành, bộ, ngành với trên 60 chi hội trực thuộc tổ chức Hội; có trên 700 võ đường, câu lạc bộ với trên 100 môn phái, võ phái và võ đường đang hoạt động, thu hút khoảng 80 ngàn võ sinh tham gia tập luyện; có khoảng 600 Võ sư (cấp 18 và trên cấp 18), hơn 500 Chuẩn Võ sư (cấp 17), 600 trợ giáo trung cấp (cấp 15, 16), 1100 hướng dẫn viên.
Võ thuật cổ truyền Việt Nam đã có những đổi thay theo từng thời kỳ phát triển của dân tộc, tuy vậy VCTVN vẫn luôn giữ được bản sắc đặc thù của nét văn hóa người Việt. Nổi rõ lên là tinh thần “Võ đạo”: Đạo đức, lễ nghĩa, trung tín… của người luyện võ dân tộc. Các bài võ cổ truyền khởi đầu bằng lễ và kết thúc cũng bằng lễ, các bài quyền đều được bắt đầu bằng bái tổ (Tam bộ bái tổ, nhị bộ kính sư, hồi thân lập trụ…) và kết thúc cũng bằng bái tổ (Thối hồi đơn phụng quang châu; Chân theo xà tấn kiếm hầu tổ sư). Đó là thông điệp giáo dục đạo đức, văn hóa người Việt mà các bậc chân sư gửi vào bài võ để nói lên tinh thần đạo đức trong võ thuật đó chính đặc điểm nổi bật và đặc sắc tinh hoa của môn Võ thuật cổ truyền Việt Nam.
Nhằm phát triển VCTVN vào sâu hơn với hoạt động tập luyện võ thuật cổ truyền tại các ngành, VCTVN đã được đưa vào chương trình huấn luyện chính thức trong quân đội, công an. Liên đoàn VCTVN cũng đã đưa võ cổ truyền vào trường học, đây là một chủ trương mang tầm chiến lược, nếu được triển khai đồng bộ của hai Sở Giáo dục Đào tạo và Sở Văn hóa Thể thao thì hiệu quả sẽ có tác động rất lớn đến nhiều lĩnh vực liên quan đến Võ cổ truyền như: công tác bảo tồn, quảng bá du lịch, an ninh quốc phòng, phát triển hoạt động phong trào và thể thao thành tích cao… Hiện nay, VCTVN được đưa vào giảng dạy, đào tạo chính quy và không chính quy ở một số trường học trong cả nước, đặc biệt là trường Đại học TDTT TPHCM đã đào tạo chính quy từ 2007 đến nay được 14 khóa, trường ĐH TDTT Đà Nẵng và một số trường khác như: Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, trường Đại học Nông Lâm, trường Đại học Tôn Đức Thắng, trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn, trường Đại học Cần Thơ…
Sau hai ngày làm việc sôi nổi, nhiều ý kiến cụ thể được đề suất, kèm theo các giải pháp được nêu ra như:
- Khôi phục lại các ngôi Võ miếu tại Hà Nội, Huế… nhằm khơi dậy niềm tự hào cho các thế hệ trẻ.
- Số hóa tư liệu của võ thuật cổ truyền tới các môn phái, võ phái…
- Tổ chức được hình thức như Quỹ hỗ trợ võ thuật (Bằng các hoạt động biểu diễn, xã hội hóa…).
- Biên soạn các bài quyền, hệ thống kỹ thuật đơn giản để bạn bè quốc tế dễ tiếp cận, tập luyện để lan tỏa ra quốc tế thuận lợi hơn.
- Tập trung sâu hơn cho công tác quảng bá, truyền thông hình ảnh VCTVN.
- Không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn các trọng tài, giám khảo để điều hành các giải trong nước về quốc tế.
- Tuyển chọn một đội chuyên nghiệp về quyền thuật và đối kháng có ngoại hình đẹp và kỹ thuật chuyên môn tốt phục vụ biểu diễn tour du lịch, chương trình sân khấu khóa, ngày lễ hội văn hóa truyền thống dân tộc, nhằm giới thiệu cho bạn bè khắp năm châu biết Võ thuật cổ truyền Việt Nam…
Hội thảo đã thể hiện mong muốn về sự phát triển VCTVN của đông đảo những người yêu võ cổ truyền trong và ngoài nước. Thông qua các bài tham luận của các nhà khoa học, chuyên gia, võ sư… nhiều vấn đề cấp bách đã nêu và thời gian sớm nhất sẽ được Liên đoàn VCTVN hiện thực hóa vào công tác quản lý, điều hành. Qua Hội thảo, những hy vọng về sự phát triển nghiêm túc, khoa học, sát thực tế nhất đã được các đại biểu khẳng định. Những nguòi hâm mộ VCTVN hoàn toàn có thể tin tưởng vào tương lai của VCTVN sẽ là một điểm nhấn của văn hóa , con người Việt Nam.
Hải An
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Gia Lai phát động tháng hành động vì bình đẳng giới
Vừa qua, tại TP. Pleiku, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Gia Lai phát động “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” năm 2024.November 21 at 8:52 am -
400 triệu đồng gây quỹ hỗ trợ sinh viên tại giải golf Trường Đại học Luật TP.HCM
Ngày 19/11, giải golf mở rộng lần I năm 2024 của Trường Đại học Luật TP.HCM diễn ra nhằm chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam. Sự kiện quy tụ 144 golfer, bao gồm các cựu giảng viên, cựu sinh viên và doanh nhân từ nhiều lĩnh vực khác nhau.November 20 at 1:03 pm -
Ninh Thuận: Phát động tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2024
Sáng 18/11, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức lễ phát động tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2024, ông Trịnh Minh Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì lễ phát động.November 19 at 4:05 pm -
Bình Thuận: Phát động tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Sáng 18/11, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Thuận tổ chức lễ phát động tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024.November 19 at 8:38 am