Gói thầu y tế của Hà Phương ở Bệnh viện Tuyên Quang có nhiều điểm bất thường

Giá nhiều thiết bị y tế do Công ty CP Xuất nhập khẩu và Thương mại Hà Phương cung cấp cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang có nhiều điểm bất thường khi giá cao hơn nhiều nơi khác.
7:30 | 29/12/2022

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang

Ngày 01/11/2021, ông Phạm Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã ký Quyết định số 667/QĐ-BVĐK để phê duyệt cho Công ty CP Xuất nhập khẩu và Thương mại Hà Phương (Công ty Hà Phương) trúng gói thầu “Mua sắm thiết bị y tế năm 2021 phục vụ công tác khám chữa bệnh cho bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang”, giá trúng thầu là: 9.860.000.000 đồng.

Tuy đây là gói thầu có giá trị lớn, được “đấu thầu rộng rãi, qua mạng” nhưng không hiểu vì sao chỉ có “độc nhất” Công ty Hà Phương được xếp loại đạt kỹ thuật và xếp loại nhất. Cũng theo báo cáo đánh giá của Công ty CP Tư vấn Vạn Long thì chỉ có mình Công ty Hà Phương là hồ sơ hợp lệ và không có hồ sơ “không hợp lệ”.

Gói thầu do ông Phạm Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang ký phê duyệt.

Tức là, Hà Phương không hề gặp bất cứ đối thủ cạnh tranh nào về giá, năng lực, tài chính và kinh nghiệm. Mục tiêu, mục đích của Luật Đấu thầu là “cạnh tranh, công bằng và tiết kiệm cho ngân sách” nhưng chỉ có mình Hà Phương liệu có mang lại hiệu quả trong công tác đấu thầu mua sắm công?

Theo tìm hiểu của PV, gói thầu mà Công ty Hà Phương trúng ở Bệnh viện Tuyên Quang bao gồm 6 mặt hàng trang thiết bị y tế. Cụ thể:

Máy phân tích huyết học tự động (Model: XN-1000; Hãng sản xuất: Sysmex Corporation; Nhật Bản) có giá tới: 1.790.000.000 đồng;

Máy xét nghiệm đông máu tự động (Model: STA Compact Max; Hãng sản xuất: STAGO; Pháp) có giá tới 1.500.000.000 đồng. Tuy nhiên, đối với thiết bị này, vào ngày 14/1/2022, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu chỉ mua với giá là 1.187.500.000 đồng (số liệu công khai trên Cổng thông tin đấu thầu Bộ Y tế); Ngày 17/9/2020, Ban Quản lý dự án tỉnh Kiên Giang mua với giá 1.285.000.000 đồng…;

Máy xét nghiệm nước tiểu tự động (Model: CLINITEK NOVUS. Hãng sản xuất: SIEMENS; Anh) có giá tới: 1.820.000.000 đồng;

Máy định danh vi khuẩn và làm kháng sinh đồ tự động (Model: VITEK 2 Compact. Hãng sản xuất: BioMerieux; Mỹ) có giá tới 1.900.000.000 đồng. Tuy nhiên, đối với thiết bị này, ngày 28/12/2020, Bệnh viện Bưu Điện mua với đơn giá 1.491.000.000 đồng;

Máy cấy máu - máy phát hiện vi khuẩn và nấm tự động (Model: BacT/ALERT 3D Right Combination Module; Hãng sản xuất: BioMerieux; Mỹ) cũng có giá tới 750.000.000 đồng;

Máy định nhóm máu gelcard tự động (Chủng loại: Matrix AutoMax – 80; Hãng/ nước chủ sở hữu: Tulip Diagnostics - Ấn Độ thuộc Tập đoàn PerkinElmer của Mỹ; xuất xứ: Trung Quốc) cũng có giá tới 2.100.000.000 đồng.

Văn bản công bố đủ điều kiện mua bán trang thiết bị y tế thì phần danh sách nhân sự của Công ty Hà Phương chỉ duy nhất 1 người (vừa làm giám đốc, vừa làm cán bộ kỹ thuật, vừa chịu trách nhiệm pháp luật) là: Ngô Thị Hải Hà.

Tất nhiên, giá thiết bị y tế đôi khi cao thấp khác nhau còn tùy thuộc vào linh phụ kiện đi kèm, phần mềm, thời gian bảo trì bảo hành… nên chưa thể khẳng định có sự "nâng khống, thổi giá hay trục lợi" ở đây.

Công ty CP Xuất nhập khẩu và Thương mại Hà Phương thành lập tháng 9/2015, hiện người có tên NGÔ THỊ HẢI HÀ đang chịu trách nhiệm pháp luật của doanh nghiệp.

Điều khó hiểu là trong Văn bản công bố đủ điều kiện mua bán trang thiết bị y tế thì phần danh sách nhân sự của Công ty Hà Phương chỉ duy nhất 1 người (vừa làm giám đốc, vừa làm cán bộ kỹ thuật, vừa chịu trách nhiệm pháp luật) là: Ngô Thị Hải Hà. Với 1 nhân sự “kiêm tất tật tật”, không hiểu vì sao doanh nghiệp này vẫn vượt qua được khâu thẩm định về năng lực, nhân sự… của chủ đầu tư/bên mời thầu?

Để làm rõ được câu chuyện “chênh lệch” về giá mua sắm thiết bị y tế ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, thiết nghĩ cần có sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt của cơ quan chức năng.

Sức Khỏe 24H sẽ tiếp tục thông tin!

comment Bình luận