Gia Lai: Xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Những năm gần đây, ngành chăn nuôi tỉnh Gia Lai chú trọng xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh nhằm hạn chế rủi ro và nâng cao hiệu quả kinh tế.
10:20 | 14/12/2024

Công ty cổ phần Diên Hồng Gia Lai sở hữu 2 trang trại chăn nuôi bò thịt tại huyện Kông Chro và Kbang, công suất nuôi nhốt 4.500 con. Nguồn gốc bò nhập chủ yếu từ Úc và một phần trong nước. Mỗi năm, Công ty xuất bán ra thị trường khoảng 12.000 con bò. Hiện cả 2 trang trại đều được cấp chứng nhận cơ sở chăn nuôi an toàn đối với bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục và tụ huyết trùng.

Ông Phạm Hữu Trí - Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp, Công ty cổ phần Diên Hồng Gia Lai thông tin: Công ty thực hiện chặt chẽ quy trình chăn nuôi theo quy định của Luật Thú y và tiêu chuẩn ESCAS của Bộ Nông nghiệp Úc.

Cụ thể, Công ty xây dựng khu chăn nuôi đảm bảo diện tích nuôi nhốt tối thiểu 4-5 m2/con. Nguồn thức ăn, nước uống luôn đảm bảo sạch sẽ; thực hiện tiêm vắc xin cho đàn bò; tuyệt đối không sử dụng chất cấm, chất tăng trọng; định kỳ hàng tháng báo cáo tình hình nhập xuất tồn bò cho Chi cục Thú y tỉnh và địa phương nơi có dự án.

Định kỳ 6 tháng/lần, Chi cục Thú y vùng 5 phối hợp với Trung tâm Kiểm tra vệ sinh thú y Trung ương II (Cục Thú y) tiến hành kiểm tra hiện trường, lấy mẫu nước xét nghiệm để đảm bảo nguồn nước không bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm kim loại gây ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn bò.

Cán bộ Trung tâm Kiểm tra vệ sinh thú y Trung ương II và Chi cục Thú y vùng 5 kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y tại trang trại chăn nuôi của Công ty cổ phần Diên Hồng Gia Lai tại huyện Kông Chro (Ảnh: H.T)

Cán bộ Trung tâm Kiểm tra vệ sinh thú y Trung ương II và Chi cục Thú y vùng 5 kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y tại trang trại chăn nuôi của Công ty cổ phần Diên Hồng Gia Lai tại huyện Kông Chro (Ảnh: H.T)

Để tránh lây nhiễm dịch bệnh, Công ty cổ phần Diên Hồng Gia Lai xây dựng tường rào kiên cố nhằm ngăn không cho đàn bò tiếp xúc với môi trường bên ngoài; định kỳ phun thuốc sát trùng toàn trang trại và thuốc diệt ruồi, muỗi 1 tuần/lần; bố trí khu vực sát trùng tất cả phương tiện và người ra vào trang trại, khu vực nhập bò và xuất bán bò. Sau mỗi đợt nuôi, Công ty tiến hành tổng vệ sinh chuồng trại.

Ngoài ra, đơn vị cũng đầu tư hệ thống thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, nước thải sinh hoạt và hợp đồng với đơn vị đủ năng lực thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình chăn nuôi.

Mặt khác, Công ty xây dựng hệ thống chuồng nuôi có mái che 100%, sử dụng đệm lót sinh học, xây dựng kho chứa phân, sử dụng men vi sinh xử lý phân hoai mục để cung cấp cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng phân bò hoai mục đã qua xử lý trong lĩnh vực trồng trọt.

“Từ khi đi vào hoạt động đến nay, 2 trang trại chăn nuôi của Công ty không xảy ra dịch bệnh trên đàn bò”- ông Trí thông tin.

Vừa qua, Tập đoàn GreenFeed Việt Nam cũng được cấp chứng nhận cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh đối với bệnh dịch tả cổ điển và lở mồm long móng tại 4 trang trại chăn nuôi heo nái trên địa bàn các huyện: Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông và Kông Chro.

Ông Hoàng Hữu Sáu - Giám đốc điều hành Farm miền Trung, Tập đoàn GreenFeed Việt Nam cho biết: Đơn vị liên kết với Tập đoàn PIC (Mỹ) để mua con giống đảm bảo chất lượng. Các trang trại chăn nuôi ở xa khu dân cư 2-5 km.

Quá trình chăn nuôi được thực hiện khép kín theo công nghệ tự động; người và phương tiện ra vào trang trại đều được sát trùng và cách ly theo quy định; chất thải chăn nuôi được thu gom, xử lý theo đúng quy định.

“Việc xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh giúp cho đơn vị tránh được rủi ro. Với quy trình chăn nuôi hiện đại, cả 4 trang trại chăn nuôi heo đều được cấp chứng nhận VietGAP”, ông Sáu khẳng định.

Cả 4 trang trại chăn nuôi heo nái của Tập đoàn GreenFeed Việt Nam đã được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh (Ảnh: H.T)

Cả 4 trang trại chăn nuôi heo nái của Tập đoàn GreenFeed Việt Nam đã được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh (Ảnh: H.T)

Ông Thái Văn Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, góp phần làm thay đổi cơ cấu ngành chăn nuôi của tỉnh.

Để phát triển đàn vật nuôi bền vững, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các quyết định, kế hoạch phòng, chống dịch bệnh.

Đến nay, toàn tỉnh có 27 cơ sở an toàn dịch bệnh động vật, trong đó có 3 cơ sở nuôi bò an toàn dịch bệnh đối với các bệnh: Lở mồm long móng, tụ huyết trùng, viêm da nổi cục, bệnh lao; 24 cơ sở nuôi heo an toàn dịch bệnh với các bệnh: Dịch tả heo cổ điển, dịch tả heo châu Phi.

“Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh; hướng dẫn, khuyến khích các cơ sở phối hợp với cơ quan chuyên môn thú y các cấp và các đơn vị liên quan để lập kế hoạch và triển khai xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh”, ông Dũng nhấn mạnh.

Hồng Thương

comment Bình luận