Gia Lai tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới

Ngày 8/12, UBND tỉnh Gia Lai ban hành kế hoạch 3463/KH-UBND về việc thực hiện Nghị quyết số 149/NQ-CP ngày 21/9/2023 của Chính phủ và chương trình hành động số 66-CTr/TU ngày 31/8/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới.
19:14 | 10/12/2023
Gia Lai tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới

Gia Lai tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới

Theo đó, kế hoạch nhằm mục đích quán triệt, cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết số 149/NQ-CP, chương trình số 66-CTr/TU, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, kiên trì xây dựng văn hoá chấp hành pháp luật, ứng xử văn minh khi tham gia giao thông, đạt được các mục tiêu, yêu cầu giảm tai nạn giao thông một cách bền vững và phòng, chống ùn tắc giao thông; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, trước hết là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Cùng với đó, yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan thành viên ban an toàn giao thông tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức nghiên cứu, quán triệt, xây dựng kế hoạch thực hiện và cụ thể hóa vào kế hoạch bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hằng năm sát với chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục, hiệu quả; xác định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là một trong những động lực quan trọng để phát triến kinh tế - xã hội của tỉnh, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên; đẩy mạnh việc thực hiện các đề án, dự án và ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống ùn tắc giao thông; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức thực hiện.

Tại kế hoạch đã đề ra các nhiệm và giải pháp trọng tâm như: Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; cụ thể hoá chủ trương của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vào chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương. Đẩy mạnh giám sát, phản biện trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; siết chặt trật tự, kỷ cương, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông, người làm nhiệm vụ thực thi pháp luật về giao thông. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương phải gương mẫu và tích cực vận động người thân, gia đình và nhân dân thực hiện nghiêm quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nghiêm cấm các hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật giao thông của các cơ quan chức năng. Xác định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là thành tố quan trọng trong bảo đảm an ninh con người, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất nước, của tỉnh. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về giao thông. Các chủ trương đầu tư làm phát sinh gia tăng nhu cầu giao thông lớn phải có đánh giá tác động về trật tự, an toàn giao thông.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Đa dạng hoá nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, lồng ghép với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" và các phong trào thi đua của từng tổ chức chính trị - xã hội.

Cùng với đó, cần tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giao thông. Tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch kết nối đồng bộ hệ thống giao thông trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; lồng ghép mục tiêu, nội dung bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vào các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn và quy hoạch liên quan đến giao thông, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, khả thi, an toàn, kết nối có hiệu quả các loại hình giao thông và thực hiện nghiêm quy hoạch được phê duyệt. Cải cách thủ tục hành chính và đổi mới mạnh mẽ phương thức tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông. Đổi mới, nâng cao chất lượng đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép điều khiển phương tiện giao thông.

Tăng cường quản lý hoạt động vận tải, ưu tiên đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng, chuyển đổi sang các phương tiện giao thông xanh. Tổ chức giao thông hợp lý, khoa học, an toàn, thông suốt, thân thiện, phù hợp với điều kiện kết cấu hạ tầng. Đồng thời, quan tâm đầu tư ngân sách, cơ sở vật chất, phương tiện và các điều kiện bảo đảm phục vụ công tác cho các lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Phòng ngừa, khắc phục ùn tắc giao thông tại các đô thị, nhất là TP. Pleiku. Thực hiện nghiêm quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông; quan tâm phát triển hệ thống giao thông công cộng, nâng cao chất lượng dịch vụ. Tăng cường quản lý trật tự đô thị, tổ chức giao thông hợp lý, khoa học, nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu về bến bãi, điểm đỗ phương tiện giao thông.

Hoàng Thảo

comment Bình luận